Tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội chiều 5/11, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết khi bước vào năm 2020, kinh tế - xã hội của Việt Nam 4 năm qua phát triển toàn diện và mạnh mẽ. Tuy nhiên, đầu năm nay lại phải đối mặt với Covid-19, đến cuối năm thì chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai, bão lũ.
Nền kinh tế có sự phục hồi nhưng không đồng đều; một số ngành, lĩnh vực người lao động còn gặp nhiều khó khăn; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, toàn nền kinh tế còn hạn chế; giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; nguy cơ nợ xấu ngân hàng đang tiềm ẩn… cần tập trung xử lý trong trước mắt và lâu dài.
Mặc dù vậy, kinh tế - xã hội cả năm vẫn có nhiều điểm sáng, đạt được kết quả tích cực khi kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. “Việt Nam là một trong số rất ít các nền kinh tế trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quochoi.vn. |
Đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021, Bộ trưởng nhìn nhận sẽ gặp nhiều khó khăn đến từ môi trường quốc tế, suy thoái kinh tế thế giới, ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiên tai trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội từ các hiệp định FTA, cơ hội thu hút FDI từ việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, chuyển đổi số, thương mại điện tử, mô hình kinh doanh mới.
“Nếu tận dụng triệt để được các cơ hội này và khắc phục được khó khăn nội tại của nền kinh tế, khả năng đạt được mức tăng trưởng cao vào năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 là có cơ sở”, ông Dũng khẳng định.
Hơn nữa, mức tăng trưởng của năm 2020 dự kiến đạt 2-3% là căn cứ để xây dựng mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 cao hơn bình thường. Điều này phù hợp với dự báo tăng trưởng của Việt Nam và các tổ chức quốc tế, đồng thời phù hợp với thực tiễn tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới.
“Việc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 khoảng 6% cũng là động lực để quyết tâm phấn đấu cao, vừa tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đồng tình với ý kiến các đại biểu nêu về việc xây dựng thêm kịch bản tăng trưởng kinh tế trong quá trình điều hành, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Trước mắt, tập trung vào khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân ở vùng bão lũ.
Đối với kết quả đánh giá lại quy mô GDP, Bộ trưởng Dũng khẳng định việc làm này là cần thiết, là hoạt động bình thường để khắc phục các vấn đề mà đánh giá thường xuyên chúng ta không thực hiện được. Qua đó, nhận diện chính xác toàn diện quy mô của nền kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của nhiều quốc gia trên thế giới.
“Quan trọng hơn cả, việc đánh giá lại của Việt Nam không thay đổi phương pháp tính GDP nhưng bổ sung thông tin và cập nhật quy định mới, nguồn thông tin đánh giá lại dựa vào các cuộc tổng điều tra, đề án thống kê khu vực, báo cáo của các ngành. Chúng ta nên dùng từ GDP đánh giá lại chứ không nên dùng từ GDP điều chỉnh”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Trên cơ sở kết quả đánh giá lại, quy mô GDP bình quân tăng thêm 25,4%/năm. Theo đó, từ năm 2021 trở đi, tốc độ tăng GDP và GDP bình quân đầu người được tính trên GDP đã đánh giá lại của năm 2020.
Về vấn đề quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang hoàn thiện, dự kiến tháng 12 trình hội đồng thẩm định quy hoạch để tổ chức thẩm định quy hoạch. Sẽ trình phê duyệt chính thức trong nửa đầu năm 2021.
Ngoài ra, ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án chuyển tiếp, bảo đảm đầu tư tập trung, tránh dàn trải, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án. Đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, ngân sách trung ương bố trí đủ vốn tập trung xây dựng ngay.