Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 15/10 đã lên đường bắt đầu chuyến đi châu Á thứ 8 của ông, nơi mà ông gọi là "một sân khấu ưu tiên" và "tôi không thể nhớ mình đã đến đó bao nhiêu lần rồi".
Việt Nam là điểm đến đầu tiên của người đứng đầu Lầu Năm Góc trong chuyến thăm này. Ông sẽ đến TP.HCM vào hôm nay trước khi đi thăm Biên Hòa vào ngày mai.
"Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sắp bắt đầu một dự án khắc phục hậu quả chiến tranh tại nơi từng là Căn cứ Không quân Biên Hòa những ngày xưa cũ", Bộ trưởng Mattis nói với báo chí trước chuyến đi thứ 8 của ông đến châu Á và là lần thứ hai đến Việt Nam. "Việc này sẽ mất vài năm, tôi muốn được nhìn thấy nó tận mắt để khi trở về và báo lại với Quốc hội, tôi có thể kể cho họ ấn tượng của riêng mình về nơi đó".
"Chúng tôi đã hứa sẽ giúp đỡ, một lời hứa, tôi nghĩ, từ 4 năm trước. Vì thế, đây là nước Mỹ đang giữ lời hứa của họ, sửa đổi một vài sai lầm trong quá khứ", ông nói.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ở Hà Nội tháng 1/2018. Ảnh: Tiến Tuấn. |
"Anh trai tôi đã chiến đấu ở Việt Nam"
Trong buổi trao đổi với báo chí, ông Mattis nhận được câu hỏi về việc "là một cựu quân nhân và trở lại đất nước đã từng đánh bại quân đội Mỹ trong chiến tranh".
"Có rất nhiều cuộc chiến. Nhưng không có nhiều thất bại đối với người Mỹ", ông nói. "Nhưng tôi sẽ nói một câu chuyện khi tôi học lịch sử. Sau Thế chiến 2, quân đội chúng tôi chiếm đóng nước Đức, và như bạn ấy, đến thập niên 1950, những cựu tù người Đức lại di cư đến Mỹ, mối liên hệ nhân dân giữa người Mỹ và người Đức đã vượt qua phạm vi quân sự, bắt đầu cho sự trưởng thành của một mối quan hệ đã vượt qua Chiến tranh Lạnh, ngay cả trong thời kỳ đất nước của họ bị chia cắt".
Bộ trưởng Mattis cũng cho biết anh trai ông đã chiến đấu ở Việt Nam.
"Ông ấy yêu con người ở đây. Tôi nghĩ rằng điều đó rất phổ biến trong các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Không có nhiều thù địch như một số người vẫn nghĩ", người đứng đầu Lầu Năm Góc nói.
Ông cho rằng việc một bộ trưởng quốc phòng Mỹ gặp gỡ người đồng cấp ở đất nước đã từng ở thế thù địch với Mỹ trong quá khứ "không thật sự kỳ lạ".
"Tôi nghĩ điều này đóng góp cho cả 2 xã hội. Tôi không thể tưởng tượng nó có gì khác với việc tôi làm việc với, ví dụ như, Nhật Bản. Có thể thời gian đã qua còn lâu hơn nữa, nhưng đó cũng là một đất nước bên bờ Thái Bình Dương mà chúng tôi từng trải qua chiến tranh với".
Dù không đến Hà Nội, ông Mattis sẽ gặp người đồng cấp, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tại TP.HCM.
Ngoài Việt Nam, Singapore là điểm đến còn lại trong chuyến đi châu Á lần này của ông Mattis. Trong ảnh, ông Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6. Ảnh: Reuters. |
Đông Nam Á là "trái tim địa chính trị"
Tại Singapore, điểm đến còn lại trong chuyến đi, ông Mattis sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN. Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo người đứng đầu sẽ có các cuộc gặp song phương và đa phương với các quan chức cấp cao và tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc xây dựng các mối quan hệ quốc phòng tại khu vực này.
"Đây là lần thứ 8 tôi đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tôi không biết ai đã đếm giúp tôi nữa, tôi không thể nhớ được, tôi đến đó quá nhiều. Năm trong số những lần đó là đến Đông Nam Á. Bạn biết đấy, nơi đó giống như trái tim địa chính trị, như cách mà tôi nhìn khu vực này", ông nói.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc nói rằng ASEAN là trung tâm trong các lợi ích an ninh và việc duy trì hòa bình tại Thái Bình Dương.
Nói về Trung Quốc, ông nói rằng Mỹ không đến đây để kiềm chế Trung Quốc, nhưng "quan ngại cao độ với việc quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông" và những khoản nợ khổng lồ mà các nước nhỏ hơn có thể gặp khó khăn để trả lại.
Trung Quốc và sáng kiến phát triển hạ tầng kết nối Á - Âu - Phi mang tên "Vành Đai, Con Đường" đang chứng kiến sự phản đối từ một số nước vì nguy cơ các khoản đầu tư hạ tầng của Bắc Kinh biến thành "bẫy nợ", buộc các nước nhỏ hơn ngày càng phụ thuộc Trung Quốc, như trường hợp Sri Lanka phải cho Trung Quốc thuê cảng với thời hạn 99 năm.
Ông Mattis lẽ ra cũng sẽ đến Bắc Kinh trong tháng 10 này, nhưng chuyến đi đã bị hủy giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Chuyến đi Đông Nam Á của ông Mattis cũng đang diễn ra trong bối cảnh có đồn đoán đây có thể là chuyến công du cuối cùng của ông trên cương vị bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump, người phe Cộng hòa, vừa ám chỉ rằng "ông ấy có vẻ là kiểu người của đảng Dân chủ".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng ông chưa nói chuyện lại với tổng thống kể từ chương trình mà ông Trump nói vậy. Tuy nhiên, họ cũng chưa từng thảo luận về việc ông Mattis rời Lầu Năm Góc.
Ông Mattis từ chối nói về việc tổng thống nhận xét ông "giống người Dân chủ" và chỉ cho biết họ vẫn đang làm phần việc của mình. Ảnh: Reuters. |
"Thế ông có phải người Dân chủ không, Bộ trưởng?", một phóng viên đặt câu hỏi.
"Năm 18 tuổi, tôi gia nhập Thủy quân Lục chiến Mỹ. Trong quân đội Mỹ chúng tôi tự hào là lực lượng phi chính trị...", bộ trưởng Quốc phòng đáp. "Còn tôi của hôm nay? Tôi là một thành viên trong chính quyền của tổng thống. Và bạn đã nhìn thấy nhiều chính sách quân sự, an ninh của tổng thống nhận được sự ủng hộ từ hai đảng".
"Khi bạn thấy 83% thành viên Quốc hội Mỹ thông qua một chính sách của một tổng thống Cộng hòa, bạn có thể thấy công việc của tôi là phi đảng phái, đó là việc bảo vệ nước Mỹ", cựu tướng Thủy quân Lục chiến nói.
Bộ trưởng Mattis xác nhận rằng ông chưa từng gia nhập một đảng phái chính trị nào.