Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Để bứt phá thì luôn phải tạo áp lực mới'

"Tôi cho rằng trong một đất nước phát triển phải có sự cạnh tranh quyết liệt. Không tạo sức ép mạnh từ trên xuống thì không thể lay động", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.

bo truong mai tien dung anh 1bo truong mai tien dung anh 2

"Tôi cho rằng trong một đất nước phát triển phải có sự cạnh tranh quyết liệt. Không tạo sức ép mạnh từ trên xuống thì không thể lay động", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.

Trả lời phỏng vấn vào đúng dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói rằng ông đã quen với bận rộn và chưa bao giờ biết ngày nghỉ phép là gì. Nghỉ lễ năm nay, ngoài tháp tùng Thủ tướng, ông còn phải chuẩn bị 2 dự thảo nghị quyết rất quan trọng mang số 01 và 02, đã được ký ban hành ngay ngày 1/1.

Giữa cuộc phỏng vấn kéo dài nhiều giờ, khi thư ký sợ ông mệt quá lên hỏi nhỏ, ông chỉ cười và nói: “Cứ để anh em báo chí người ta hỏi”.

bo truong mai tien dung anh 3

- Tại hội nghị Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ việc trải qua nhiều khó khăn để đạt được thành tích trong năm 2018. Là người theo sát Thủ tướng, Bộ trưởng có thể chia sẻ những khó khăn đáng nhớ nhất năm qua?

- Thủ tướng ngoài tâm huyết, trách nhiệm còn rất trí tuệ, khi xử lý vấn đề rất thông minh, rất khéo dịch chuyển. Trong thực tiễn điều hành, Chính phủ đặt nguyên tắc bám vào quy định của pháp luật. Nhưng cũng có vấn đề thực tiễn mà pháp luật chưa theo kịp, đòi hỏi phải có sự quyết đoán và đồng thuận.

Tôi cho rằng vấn đề tạo sự đồng thuận là khó nhất. Thủ tướng quyết đoán nhưng phải tạo sự đồng thuận trong Chính phủ và các bộ, ngành.

Từ đầu nhiệm kỳ này, đều đặn hàng tháng các đồng chí chủ chốt đều ngồi với nhau để đánh giá công việc, giải quyết vướng mắc, xử lý vấn đề bức xúc. Bốn Văn phòng là Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ tháng nào cũng họp với nhau để thống nhất báo cáo gửi lên các lãnh đạo chủ chốt.

Cái khó thứ hai là tạo cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, thu hút sự tham gia của tư nhân trong bối cảnh vướng mắc đầu tư công còn khó khăn. Khi đó, Thủ tướng đã đưa ra quyết sách rõ ràng. Bằng chứng là chỉ sau vài tuần nhậm chức, ông đã gặp mặt doanh nghiệp tư nhân ở TP.HCM.

Cái khó thứ ba là xử lý các tình huống liên quan đến quốc tế với nhiều vấn đề phức tạp. Thủ tướng đã xử lý rất khéo léo, tạo sự đồng thuận cao.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: '2019 là năm bứt phá' "Năm 2019, Chính phủ ngoài tinh thần kỷ cương, liêm chính, hành động, vấn đề sáng tạo và bứt phá rất quan trọng", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ.

- Nhìn lại một năm qua và hơn nửa chặng đường nhiệm kỳ, Bộ trưởng có thể khái quát những điểm nhấn nổi bật trong hoạt động điều hành, chỉ đạo của Chính phủ?

- Trước hết, tinh thần xuyên suốt của Thủ tướng là quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, nói và làm, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là chấn chỉnh kỷ cương.

bo truong mai tien dung anh 4

Từ đầu nhiệm kỳ 2016 đến nay là 3 năm, mục tiêu ấy vẫn luôn trải dài trong điều hành của Chính phủ và Thủ tướng, đặc biệt của người đứng đầu. Chính phủ quyết tâm rất cao hướng tới cải cách, thực hiện các mục tiêu trong Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh…

Rút kinh nghiệm từ năm 2017, ngay đầu năm 2018 chúng ta đã xây dựng kịch bản tăng trưởng theo hướng cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Rồi cả năm kiên trì bám sát tháo gỡ, giải quyết vướng mắc để tập trung tăng trưởng theo kịch bản.

Chính phủ và Thủ tướng đặt trọng tâm hàng đầu là ưu tiên hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách. Vì Chính phủ kiến tạo, thượng tôn pháp luật nên vấn đề liên quan đến cơ chế, thể chế, thực thi rất quan trọng.

Thứ hai, Chính phủ cũng phát huy nội lực, thu hút vốn tư nhân, tạo cơ chế thu hút các nguồn lực. Trong khi vốn ngân sách Nhà nước có hạn thì huy động vốn tư nhân rất quan trọng, bởi lực lượng này chiếm 40% GDP của cả nước, với khoảng 600.000 doanh nghiệp.

Chính Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, rất nhiều năm nay mới có con số tăng trưởng ấn tượng như vậy.

Năm qua, rất nhiều hội nghị ở tầm quốc gia với sự tham dự của Thủ tướng, các phó phủ tướng được tổ chức. Ở đó, Thủ tướng được nghe các hiệp hội, doanh nghiệp phản ánh, tạo ra thông tin tiếp cận giữa doanh nghiệp, người dân với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn.

Tôi cho rằng trong một đất nước phát triển phải có sự cạnh tranh quyết liệt, không có cạnh tranh thì không thể phát triển. Không tạo sức ép mạnh từ trên xuống thì không thể lay động. Tự giác chỉ có mức độ thôi, vì ban đầu, để tạo thay đổi suy nghĩ truyền thống sang sáng tạo thì phải có sức ép, sự quyết liệt từ lãnh đạo, từ người đứng đầu.

Nhưng tạo sức ép phải chuẩn, có sự đồng thuận cao chứ không phải gia trưởng, độc đoán. Nếu lãnh đạo Đảng, Nhà nước tạo sự đồng thuận cao thế này thì việc gì ta cũng làm được.

bo truong mai tien dung anh 5

- Theo tiêu chí được Chính phủ thống nhất thì ông đánh giá bộ, ngành, địa phương nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm qua?

- Các bộ, ngành, địa phương đều quyết tâm rất cao, hoàn thành nhiệm vụ với các mức độ khác nhau. Có địa phương lợi thế nhưng người đứng đầu hoặc bộ máy không đoàn kết thì không tạo được dư địa tăng trưởng mới.

Có những địa phương thay đổi hẳn chiến lược tăng trưởng. Điển hình như Quảng Ninh trước đây chỉ dựa vào khai thác than, khi chuyển tăng trưởng từ “nâu sang xanh” thì tạo ra thay đổi rất khác biệt. Qua đó thấy được vai trò của người đứng đầu là rất quan trọng.

Tôi cho rằng các bộ, ngành, địa phương đều có sự cố gắng mạnh mẽ nên sự so sánh là rất khó.

bo truong mai tien dung anh 6

- Phương châm 2019 nhấn mạnh yếu tố “bứt phá” để “về đích”, vậy Chính phủ trong năm tới xác định bứt phá ở những điều gì?

- Năm 2019 là thời gian cuối nhiệm kỳ nên việc bứt phá là rất quan trọng. Khi chuẩn bị xây dựng Nghị quyết 01, Văn phòng Chính phủ chúng tôi yêu cầu đưa ra cái gì đó mang tính hành động mạnh mẽ nên đã đề xuất đưa vào nội dung “Bứt phá”.

Bứt phá bao hàm rất rộng nhưng tựu lại là về thể chế, cơ chế chính sách. Chính phủ phải rất mạnh mẽ vấn đề phân cấp, rõ nghĩa, rõ trách nhiệm.

bo truong mai tien dung anh 7

Về thể chế, tôi lấy ví dụ như sửa đổi một số luật mất rất nhiều thời gian, nên chúng ra sẽ sửa theo hướng cái gì vướng mắc nhất thì sửa trước, không “dỡ” tung hết ra thì rất khó làm. Chúng ta có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, nếu không có cơ chế bứt phá thì không kích thích họ chuyển sang doanh nghiệp.

Bứt phá mang tính bao hàm từ sáng tạo đến xây dựng chiến lược, quy hoạch... Để thực hiện thì cần sự đột phá rất mạnh, sự quyết tâm của cả đội ngũ cán bộ công chức, cả hệ thống chính trị, chứ không riêng cơ quan Chính phủ.

Tổng bí thư đã nói các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 phải cao hơn 2018. Quy mô nền kinh tế càng lớn thì tăng tỷ lệ càng khó. Nhưng chúng ta còn dư địa phát triển rất nhiều nên phải tận dụng và phát huy được.

- Trong dự thảo nghị quyết 01 của Chính phủ có coi phát triển kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng để “bứt phá” trong năm tới. Vậy Chính phủ sẽ đề ra nhiệm vụ cụ thể nào tận dụng nguồn lực này?

- Chúng ta đã có hành lang pháp lý khá rõ về việc phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có cả nghị quyết của Trung ương và Quốc hội. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều coi kinh tế tư nhân là nền tảng quan trọng. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có cơ chế, chính sách phù hợp một cách cụ thể thì chỉ nói mà không khuyến khích được.

Năm 2018 có hơn 131.000 doanh nghiệp mới thành lập, nhưng số đóng cửa cũng rất cao. Với 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, nếu không có chính sách gì thì họ không thể chuyển sang doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các cơ quan nghiên cứu cơ chế chính sách. Các chuyên gia cho rằng phải xem xét chính sách thuế để khuyến khích tư nhân tham gia. Cũng có ý kiến đề xuất tạo gói tín dụng để họ tiếp cận tốt hơn…

Chắc chắn rằng trong thời gian tới đây, Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo đi vào những quyết sách rất cụ thể, để xây dựng nghị định hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Nếu không có chính sách cụ thể thì sẽ không đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

bo truong mai tien dung anh 8

bo truong mai tien dung anh 9

- Ban chấp hành Trung ương mới ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo. Theo Bộ trưởng, một Chính phủ nêu gương thì đòi hỏi phải làm gì và bản thân Bộ trưởng là Ủy viên Trung ương thì sẽ thực hiện quy định nêu gương như thế nào?

- Tôi cho rằng quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đảng viên, đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương là rất quan trọng, rất hay, mang tính giáo dục và tự giác. Nêu gương mang tính tự giác, mỗi người phải tự soi xét mình. Vị trí càng cao thì tính nêu gương càng phải tốt hơn, sáng hơn, tự giác hơn.

bo truong mai tien dung anh 10

Với trách nhiệm của Chính phủ, thành viên Chính phủ, tôi cho rằng đầu tiên phải làm theo chức trách được giao và phải làm tốt. Phải rèn luyện bản thân, hoàn thành chức trách, trách nhiệm. Cái gì được giao thì phải làm đàng hoàng, làm tốt để cùng nhau xây dựng một Chính phủ tốt.

Nhưng ở đây, nếu co mình lại, không dám làm gì thì cũng không được, yêu cầu là phải quyết liệt, phải hành động. Văn phòng Chính phủ là cơ quan tham mưu mà không dám đề xuất, chỉ rụt rè nếu Thủ tướng đồng ý thì cũng không được.

Có những việc Thủ tướng băn khoăn, yêu cầu cá nhân Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho ý kiến thì tôi phải có báo cáo riêng. Cách làm của Thủ tướng chặt chẽ lắm, phân biệt cái gì là cá nhân, cái gì là tập thể. Thủ tướng nêu đích danh luôn thì tôi phải ký mang tư cách cá nhân Bộ trưởng để Thủ tướng quyết định trên cơ sở pháp luật.

- Quy định này có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay, nhất là thời điểm Trung ương đang quy hoạch cán bộ cho khóa tới?

- Chính phủ nhiệm kỳ này ban hành nhiều chương trình hành động để thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là chống các tư tưởng thoái hóa, biến chất. Khi vấn đề chấn chỉnh công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức được đẩy mạnh thì quy định nêu gương có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Nhiệm kỳ này, có rất nhiều quy định của Đảng mang tính rất dài hơi. Ngay cả quy hoạch cấp chiến lược nhiệm kỳ này làm bài bản hơn, nét hơn, minh bạch hơn, đặc biệt là nghiêm cấm chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch.

Quy định nêu gương trong thời điểm quy hoạch cấp chiến lược quan trọng vì nó tạo ra sự tự giác và sự giám sát của người dân.

- Trung ương có quy định không để người thân, vợ con sống xa hoa, lãng phí. Bộ trưởng có suy nghĩ gì về quy định này?

- Quy định này rất đúng. Xa hoa, tiêu pha lãng phí không cần thiết là điều không nên. Tất nhiên, gia đình có điều kiện thì có thể dùng những đồ tốt cho gia đình, phục vụ cho gia đình. Xa hoa lãng phí là không tiết kiệm, phô trương, lợi dụng còn mặc bộ quần áo đẹp một chút cũng là chuyện bình thường.

bo truong mai tien dung anh 11

- Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn trong đó có các thành viên Chính phủ. Ông cảm nhận như thế nào về kết quả đó?

- Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm rất khách quan, đánh giá rất công tâm, thực chất. Cũng kỳ họp đó, lần đầu tiên một Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội. Từ trước đến nay chúng tôi có bị hỏi đâu, nhưng hỏi như thế mới tốt.

bo truong mai tien dung anh 12

Mình cũng phải thấy rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm đánh giá sự cố gắng của mình thì là điều đáng mừng. Còn những phiếu tín nhiệm, tín nhiệm thấp thì phải cố gắng thôi. Đây là thước đo rất quan trọng để mình làm tốt hơn, chứ không phải vì thế mà tự ái.

Về kết quả lấy phiếu cao thấp là bình thường. Tôi cho rằng đánh giá đó rất công tâm vì ở chỗ này mình làm được, chỗ khác mình làm chưa được, cho nên càng phải cố gắng rèn giũa tốt hơn.

- Trong 3 năm qua, trên cương vị người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng thấy hài lòng và chưa hài lòng những gì?

- Lên cơ quan Trung ương tôi trăn trở rằng việc ở địa phương khó như thế, phải xin ý kiến trung ương. Nếu Trung ương không trả lời hoặc trả lời chậm, hoặc đùn đẩy, thì chính là tạo khó cho địa phương.

Tôi thường xuyên nhận được tin nhắn, điện thoại của các bí thư, chủ tịch tỉnh và nhắn lại rằng không phải ra Hà Nội. Vướng cái gì cứ nhắn, chúng tôi sẽ có trao đổi với các bộ trưởng để giúp cho các địa phương, đôn đốc giải quyết những vấn đề vướng mắc, tháo gỡ rất nhanh.

Nếu như cán bộ lãnh đạo kinh qua địa phương rồi thì rất hiểu. Khi đảm nhiệm vị trí cao hơn ở trên này, thì xử lý vấn đề mang tính thực tiễn hơn, tâm huyết và trách nhiệm với địa phương hơn.

- Mới đây, Thủ tướng tiếp tục thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm giải quyết các vụ việc bức xúc của xã hội. Có ý kiến băn khoăn liệu quá nhiều Tổ công tác như vậy có thực sự hiệu quả, cần thiết?

- Sau khi xảy ra vụ Thủ Thiêm, người dân ở nhiều địa phương kéo về Hà Nội. Cảnh bà con kéo về như vậy rất đáng thương, trong đó nhiều người già yếu, trời thì rét mướt… Tất nhiên, có phần tử lợi dụng, nhưng phần lớn người ta ra vì trong một thời gian dài, đề nghị, mong mỏi chuyển đến cơ quan chức năng không được giải quyết. Đó là những kiến nghị liên quan đến tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư… nhưng không được xem xét.

bo truong mai tien dung anh 13

Tôi từng ở địa phương nên biết rằng số này rất nhiều. Ở địa phương lãnh đạo phải tiếp dân, để cho cấp phó là không được. Trong quá trình như thế, người dân đi lại nhiều lần, giải quyết không thoả đáng nên kéo lên Chính phủ.

Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt do Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đứng đầu để giải quyết những vấn đề bức xúc, cần có sự quan tâm giải quyết đặc biệt của Thủ tướng, Chính phủ.

Nếu để tình trạng này kéo dài, nó sẽ lây lan, ảnh hưởng đến chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin. Chúng ta phải thực sự giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho người dân. Tôi cho rằng thành lập các tổ công tác là cần thiết, 3 tổ công tác này không chồng chéo. Quan trọng nhất là minh bạch, nói đúng.

- Chúng ta đã đẩy mạnh cải cách, nhưng rào cản cải cách rất nhiều, điều này có khiến Bộ trưởng “chùn bước” không?

- Không! Tôi không nản vì xã hội, doanh nghiệp cần lắm, vấn đề là làm khó. Chúng ta đã rất quyết liệt khi đã cắt giảm hơn 6.000 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, vượt hơn 36% chỉ tiêu nghị quyết 19, tiết kiệm hơn 11,6 triệu ngày công, tương đương khoảng hơn 5.400 tỷ đồng. Cắt được hơn 3.000 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp và người dân rất cần cải cách. Có những trường hợp, tai nạn giao thông mà khai tử, có trường hợp mất 4 năm rồi mà không nhận được mai táng phí... Dân bức xúc là đúng vì sách nhiễu, rào cản kinh khủng. Ngoài ra, doanh nghiệp và người dân cũng rất cần cải cách phải đi vào thực chất.

bo truong mai tien dung anh 14

Cho nên phải cải cách mạnh mẽ, làm liên tục, làm cương quyết, làm rắn. Làm rắn ở đây nghĩa là đi vào cụ thể, dù đây là vấn đề rất khó. Cải cách giúp tạo dư địa tăng trưởng mạnh vì tháo gỡ khó khăn, cắt giảm chi phí, thúc đẩy gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Bản thân tôi từ quê, cũng tham gia doanh nghiệp rồi nên rất hiểu nỗi khổ của dân, doanh nghiệp. Nếu người ta có cơ hội trong một thời gian tích tắc thì có thể sẽ nên cơ đồ. Nếu mất cơ hội thì cũng thôi luôn.

- Vốn đã bận rộn với những “rào cản của cải cách”, đến năm 2019, Chính phủ lại đề ra mục tiêu “bứt phá” nữa, như vậy Văn phòng Chính phủ và bản thân ông có thấy quá áp lực?

- Nói áp lực là tốt. Chúng ta luôn luôn phải tạo ra áp lực mới. Nếu không tạo ra áp lực mới thì không có sự chuyển động mạnh mẽ được. Người ta vẫn nói “trên nóng dưới lạnh” là đúng, tình trạng này vẫn còn nhiều.

- Dịp nghỉ lễ Tết dương lịch, ông bận rộn khi tháp tùng Thủ tướng đi công tác. Ông cũng phải chuẩn bị dự thảo Nghị quyết 01, 02, để Thủ tướng ký ngay ngày 1/1. Việc dành nhiều thời gian cho công việc, có lúc nào khiến ông và người thân thấy “chạnh lòng”?

- (Cười). Tôi cũng quen rồi, với những việc như vậy mình phải chấp nhận. Từ trước đến nay, từ ngày làm công tác, chưa bao giờ tôi nghỉ phép, chưa biết nghỉ phép là cái gì.

Tôi vẫn nói với anh em rằng thời gian dài ngắn không quan trọng, quan trọng là mình đã làm được những gì. Đừng về quê khoe làm mấy nhiệm kỳ. Khi người ta hỏi lại mấy nhiệm kỳ đó ông làm được những gì mà không trả lời được thì không ổn.

'Người đứng đầu phải chỉ đạo điều hành quyết liệt ngay từ đầu năm'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhiệm vụ trong năm tới là rất nặng nề. Do đó, Người đứng đầu ở các bộ ngành, địa phương phải chỉ đạo điều hành quyết liệt ngay từ ngày đầu năm.

Nguyễn Hưng - Hiếu Công

Ảnh: Hoàng Hà
Video: Duy Anh
Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm