Sáng 31/12, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã báo cáo về tình hình phát triển xã hội, xóa đói giảm nghèo cũng như phát triển nguồn nhân lực trong năm qua.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết trong năm 2019, cả nước đã giải quyết được việc làm cho 1,6 triệu lao động (vượt 103% chỉ tiêu); tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 3,2%; đưa 148.000 lượt người lao động đi lao động nước ngoài.
![]() |
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Thanh Tuấn. |
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhân lực trong nước tuy nhiều nhưng lại là "nhân lực rẻ" và đây không phải là ưu thế vượt trội để thu hút đầu tư. Trong tương lai, Việt Nam muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì phải quan tâm đến vấn đề phát triển nhân lực.
Bộ trưởng Lao động đề nghị Trung ương và các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ các loại hình đạo tạo liên kết với nước ngoài, xử lý nghiêm các hình thức trá hình để đưa người Việt Nam ra nước ngoài. Bộ trưởng Dung cũng đề nghị địa phương có chính sách đối phó với việc nới lỏng visa, bởi các nước đang lợi dụng việc này để đánh cắp nhân lực hợp pháp.
“Trong quý 1/2020, có khả năng một số quốc gia do áp lực già hóa dân số sẽ tìm mọi cách đánh cắp nhân lực một cách hợp pháp bằng cách cấp visa du lịch đồng thời cho phép tuyển dụng thẳng lao động. Chúng ta cần phải chú trọng vấn đề này, bởi nếu không khéo thì chúng ta sẽ mất nhân lực ồ ạt”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ lo ngại.
Ông cũng đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, trong đó đào tạo cho 1 triệu lao động đầu vào và đào tạo lại cho vài chục triệu lao động.
Về công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Dung cho rằng đây là là điểm sáng trong năm, tỷ lệ nghèo đến nay chỉ còn dưới 4% (giảm 1,35%). Ông đề nghị các địa phương quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề ở vùng nông thôn, quan tâm đến kế sinh nhai của người dân, bởi đây chính là vấn đề giảm nghèo bền vững, tránh nguy cơ tái nghèo.