Buổi chia sẻ tầm nhìn năm 2019 của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có những nhân vật đặc biệt. Đó là những người khuyết tật, đại diện cho nhóm người yếu thế trong xã hội. Bộ trưởng nói rằng sự có mặt của những người yếu thế thể hiện quyền bình đẳng của họ trong tiếp cận cơ hội, bình đẳng trong đóng góp cho đất nước.
Ông nhấn mạnh việc khơi thông các nguồn lực, biến thách thức thành cơ hội, giống như chính những người yếu thế cũng có thể làm ra giá trị, cũng là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đó cũng chính là những tâm sự của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhân dịp năm mới Kỷ Hợi.
Trình độ phát triển của Việt Nam chỉ bằng Hàn Quốc 40 năm trước
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc lại thành tựu của đất nước sau 30 năm đổi mới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh chúng ta “chỉ tiến xa so với chính chúng ta, nhưng chưa thấm gì so với thế giới”.
“Thế giới đã thay đổi rất nhanh trong 30 năm qua. Thu nhập chúng ta chỉ xếp 136/188 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trình độ phát triển của ta cũng chỉ bằng Hàn Quốc cách đây 40 năm, Malaysia cách đây 20 năm…. Do đó, chặng đường phía trước là hết sức khó khăn”, ông nói.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Bộ trưởng cũng nhắc đến những khó khăn thách thức khi hiện nay vẫn còn khoảng 5,3 triệu người nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Cùng với người nghèo, số người yếu thế cũng còn rất nhiều. Chúng ta cũng có trên 1,5 triệu người cao tuổi, 1,1 triệu người khuyết tật nặng, 98.000 người đơn thân nuôi con cận nghèo, phải nhận trợ cấp xã hội…
Ông cũng nhắc đến việc bảo vệ môi trường còn nhiều thách thức như tình trạng ngập úng, ô nhiễm, rác thải… đặc biệt là 2 thành phố lớn tại Hà Nội và TP.HCM. Bộ trưởng nhấn mạnh đất nước nếu không giải quyết các vấn đề này thì nó sẽ là trở ngại cho sự phát triển kinh tế.
Thách thức về việc nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để đất nước “không lỡ chuyến tàu” cũng được người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư nêu ra. Ngoài ra còn có việc xây dựng chỉnh phủ điện tử, về đô thị hóa…
Thách thức từ những biến động bên ngoài cũng là vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi sự chủ động, theo dõi sát và điều hành linh hoạt của Chính phủ, ứng phó với các biến động bên ngoài.
“Thời gian tới kinh tế còn nhiều thách thức và biến động. Khi nền kinh tế có độ mở cao. Những tiến bộ về công nghệ làm thay đổi cách thức phát triển. Rủi ro khủng hoảng kinh tế thế giới, có thể làm ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu… Nguy cơ chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình, đây là thách thức rất lớn”, Bộ trưởng chia sẻ.
Biến thách thức thành cơ hội
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để đưa nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng GDP các năm tới phải nhanh hơn, đó cũng là cách để đuổi kịp các nước khu vực và thế giới. Ngoài ra vừa phải duy trì được ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng cao, liên tục, kéo dài trong một thời gian.
Ông nhấn mạnh động lực thời gian tới, điều tiên quyết và mang tính quyết định là cải cách thể chế. Trong khi đó Bộ KH&ĐT lại là những người tham mưu về chính sách và thể chế nên nhiệm vụ nặng nề trong thời gian tới. Ngoài ra còn phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp.
“Phải coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực, là mục tiêu để tập trung. Dựa trên nền tảng này, kinh tế Việt Nam mới có thể bứt phá nhanh và bền vững được”, ông nói.
Người đứng đầu ngành Kế hoạch & Đầu tư chỉ ra rằng cơ hội và thách thức luôn tồn tại song hành như nhau, do đó cần nhận thức nó bất kỳ ở đâu, thời gian nào. Do đó cần phải nhận diện cơ hội và thách thức, từ đó có những quyết định, để biến chính thách thức thành cơ hội.
“Cơ hội không phải tự nhiên nó đến mà do chính chúng ta tạo ra. Chúng ta có thể tạo ra cơ hội và chính thách thức. Cần nhận diện và có quyết định quyết định phù hợp”, ông nói.
Bộ trưởng cũng cho rằng cơ hội, thách thức của quốc gia này lại là cơ hội thách thức của quốc gia khác và ngược lại. Khi tận dụng cơ hội, chắt chiu nó và tránh được thách thức.
“Quốc gia nào tận dụng được hết các cơ hội sẽ thành công. Cơ hội là bình đẳng như nhau, ai biết nắm thì thành công”, Bộ trưởng nói.
Lấy ví dụ, Bộ trưởng Dũng nói đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông cho rằng nếu chúng ta không nhạy bén, kịp thời, coi đây là một cơ hội vô cùng quý báu, nếu không tận dụng sẽ mất đi cơ hội. Nhưng nếu tận dụng thì có thể bắt kịp, đi cùng.
Hay trong thương mại, đầu tư, đang có những biến động chuyển dịch đầu tư, cũng như các hiệp định thế hệ mới, giúp mở rộng thị trường, thu hút đầu tư. Nếu không tận dụng thì lại có mặt trái, đánh mất cơ hội, có thể biến thành thách thức.
Thời điểm này cơ hội đầy đủ để ta điều chỉnh chính sách, chứng tỏ với cộng đồng quốc tế về một Việt Nam ổn định, thu hút
Bộ trưởng cũng chỉ ra việc đất nước có tới 94 triệu dân, trong đó gần 60% dân số trong độ tuổi lao động. Nhưng thách thức là việc chúng ta đang ở cuối thời kỳ dân số vàng.
“Với lực lượng lao động dồi dào giúp chúng ta có lợi thế rất lớn về lao động, đây chính là cơ hội, nhưng cũng là thách thức rất lớn. Chúng ta mới có ưu thế về số lượng, còn chất lượng chưa cao, trình độ, kỹ năng còn thấp, già hóa dân số nhanh”, ông nói.
Khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khơi thông sức mạnh
Một cách lạc quan, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng triển vọng của đất nước còn rất lớn. Đặc biệt, Việt Nam có khát vọng đưa đất nước tiến lên, ngày càng giàu mạnh. Mọi người dân đều có khát vọng vươn lên, có tinh thần dân tộc mãnh liệt. Việt Nam cũng có truyền thống, và đã lớn mạnh, đang lớn mạnh và sẽ lớn mạnh.
“Cần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chính con người Việt Nam, khơi thông sức mạnh con người Việt Nam, khơi thông mọi nguồn lực xã hội, phục vụ cho con người, cho xã hội, cho đất nước”, ông nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh thông điệp đã đến lúc chúng ta có thể chủ động để quyết định tương lai của mình, không còn bị động, định hình cho tương lai của mình và thế hệ mai sau, tương lai có một đất nước thịnh vượng.
“Một đất nước phải chăm chỉ hơn, đồng tâm hiệp lực, cùng gánh vác, khát vọng, sẽ xây dựng một đất nước hùng mạnh hơn nữa”, ông nói.