Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Kế hoạch: 'Kinh tế Việt Nam phải đứng trên 2 chân'

Theo Bộ Trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, không thể để doanh nghiệp trong nước kéo lùi sự phát triển của doanh nghiệp FDI, mà nền kinh tế cần đứng trên cả 2 chân.

Bàn về chuyện hội nhập của doanh nghiệp, các đại biểu của Diễn đàn doanh nghiệp 2015 diễn ra sáng nay cho rằng vấn đề cốt lõi không chỉ là về khu vực FDI hay Nhà nước, mà doanh nghiệp tư nhân sẽ là đầu mối quyết định.

"96% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ, chỉ chưa đầy 2% là lớn và 2% là vừa. Số lượng doanh nghiệp lớn ít thì cũng dễ hiểu, nhưng cỡ vừa chỉ có 2% thì đó đúng là điểm yếu của kinh tế Việt Nam. Vấn đề là chúng ta phải làm sao để kinh tế tư nhân trong nước đủ mạnh để có thể trở thành đối tác tác của các doanh nghiệp FDI trong quá trình tận dụng các lợi thế của các FTA (hiệp định định thương mại tự do)", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Diễn dàn Doanh nghiệp Việt Nam đánh giá, kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2015 ổn định, là nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế và hội nhập thế giới. Ảnh: T.A.

Bức tranh tối màu của doanh nghiệp tư nhân

Theo Chủ tịch VCCI, trong khi bức tranh chung của nền kinh tế là tích cực thì khu vực tư nhân - vốn là động lực của nền kinh tế - lại tăng trưởng kém. "Nói một cách hình ảnh thì nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ nhưng kinh tế tư nhân vẫn cô đơn. Khu vực này chưa đủ sức cắm rễ sâu vào các nền kinh tế địa phương hay FDI, chưa tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu, mà nếu có cũng chỉ là ở các ngành sử dụng nhiều nhân công, giá rẻ".

Ngại đầu tư vì lo EVN độc quyền

Theo các nhà đầu tư thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Bắc Âu (Nordcham), điện lực Việt Nam hiện vẫn do EVN độc quyền mua. Trong khi đó, tập đoàn này chưa hoàn thành hết nghĩa vụ trả nợ với các đối tác, gây lo ngại cho các nhà đầu tư khi đổ tiền vào các dự án điện mới, bởi họ được yêu cầu phải bán điện cho EVN. "Nordcham khuyến nghị Bộ Công Thương xem xét các phương pháp mới để nâng cao độ tin cậy của EVN, bên cạnh những nỗ lực tăng giá điện để trang trải cho các chi phí cung cấp mà các đơn vị đã và sẽ tham gia thị trường", báo cáo của Nordcham nhấn mạnh.​

Theo người đứng đầu VCCI, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa nhỏ hiện nay chưa đủ mức và chưa đủ tầm. Một mặt là nguồn lực dành cho hỗ trợ chưa đủ, mặt khác là hiệu quả của các mô hình hỗ trợ chưa đạt yêu cầu nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp lớn lên mà chỉ vận động bằng nội lực của mình.

"FDI vào Việt Nam tồn tại như những ốc đảo, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể trở thành đối tác địa phương, tham gia vào chuỗi giá trị của họ. Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng 70% là từ các doanh nghiệp FDI, trong khi linh kiện, phụ tùng cho FDI phần lớn được nhập từ nước ngoài (có mặt hàng 90%) thay vì có nguồn cung từ trong nước. Tức là giá trị gia tăng của nền kinh tế Việt Nam là rất thấp", ông Lộc ví von.

Chia sẻ quan điểm này với ông Vũ Tiến Lộc, nhưng Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng không thể để kinh tế trong nước kéo lùi sự phát triển của khu vực FDI. "Chúng ta cần đứng trên 2 chân, một chân là FDI, chân còn lại là các doanh nghiệp trong nước".

Bộ trưởng Vinh cho rằng, yêu cầu cấp thiết hiện nay là đẩy nhanh quá trình hội nhập của doanh nghiệp trong nước, đưa các công ty này tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hợp tác tốt hơn với khu vực FDI. "Có như vậy, kinh tế Việt Nam mới phát triển bền vững và tranh thủ được những lợi ích của hội nhập mang lại", Bộ trưởng Vinh chia sẻ.

Việt Nam chi 3 tỷ USD cho du học

Trình bày tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt nam 2015, nhóm công tác Giáo dục và Đào tạo cho biết, số lượng du học sinh của Việt Nam hiện đã lên tới 110.000 người. Mỗi năm, du học sinh Việt phải chi trung bình 30.000 - 40.000 USD cho tiền học phí, tương đương con số chi cho giáo dục quốc tế lên tới 3 tỷ USD. Điều đáng nói là số tiền chảy ra nước ngoài để có được nền giáo dục toàn cầu này đúng bằng số vốn mà Chính phủ đang đau đầu để huy động bằng trái phiếu trong năm 2016.

Tuy chi tiêu khá tốn kém cho giáo dục, nhưng lao động tại Việt Nam lại chưa đáp ứng được nhu cầu của hội nhập, bởi nhân lực Việt Nam hầu hết tập trung ở các ngành chân tay, còn chuyên gia cao cấp lại phải "nhập khẩu" với số lượng lớn từ nước ngoài.

FTA Việt Nam - EU: 'Không có bữa ăn nào miễn phí'

Trao đổi với Zing.vn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam sẽ phải đối diện thách thức rất lớn trong EVFTA, vì EU là thị trường cạnh tranh cao nhất thế giới.

Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm