Vấn đề hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) một lần nữa được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 3/11.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ) cho rằng hơn 10 năm qua, phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL quá chậm và khiêm tốn.
Đến nay, khu vực này mới có 41 km cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đang làm thêm 52 km Trung Lương - Mỹ Thuận và 23 km Mỹ Thuận - Cần Thơ. Khi hoàn thành, cả vùng chỉ có 115 km đường cao tốc, trong khi ĐBSCL chiếm 13% diện tích cả nước.
Vị đại biểu đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực hợp lý, đặt mục tiêu rõ ràng để phát triển hạ tầng giao thông khu vực. “Chính phủ phải đặt mục tiêu đến năm 2025, ĐBSCL sẽ có bao nhiêu km đường cao tốc, 250 km hay 300 km?”, ông Xuân kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho rằng hơn 10 năm qua, việc phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn quá khiêm tốn. Ảnh: Quốc hội. |
Cũng đề cập đến những yếu kém về cơ sở hạ tầng tại ĐBSCL, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) nói rằng đường giao thông ở khu vực này có nhiều đoạn ngập sâu, hàng trăm, hàng nghìn phương tiện chết máy mỗi khi mưa lớn hoặc nước biển dâng.
Ông Hận kiến nghị cần nâng cao đường giao thông, xây dựng các công trình thích ứng với biến đổi khí hậu như cầu cạn và nhanh chóng đưa vào sử dụng các đường cao tốc như Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ hay quốc lộ 63.
Ngoài ra, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau mong muốn cơ quan chức năng đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nâng cấp sân bay, đầu tư cảng nước sâu Cà Mau.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ đang tập trung nghiên cứu 7 tuyến đường cao tốc cho vùng ĐBSCL, qua đó lựa chọn đoạn, tuyến quan trọng để đầu tư trong 5 năm tới. Ảnh: Quốc hội. |
Về các ý kiến của đại biểu liên quan lĩnh vực giao thông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết Chính phủ đã họp rất nhiều lần, đánh giá sự yếu kém của giao thông các vùng miền và đưa ra một số chương trình.
Theo ông Thể, Bộ GTVT đang tập trung nghiên cứu 7 tuyến đường cao tốc cho vùng ĐBSCL, qua đó lựa chọn đoạn, tuyến quan trọng để đầu tư trong 5 năm tới.
“Bộ đã tính toán trình Chính phủ và Chính phủ sẽ trình Quốc hội, hết nhiệm kỳ 2021-2025 có thể nâng tỷ lệ giao thông cao tốc ở khu vực ĐBSCL từ hơn 40 km lên hơn 300 km”, ông Thể cam kết.
Nhấn mạnh đây là quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Bộ trưởng GTVT khẳng định “không xây dựng đường cao tốc thì thu hút đầu tư phát triển sẽ gặp rất nhiều khó khăn”. Vì thế, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch rất cụ thể và mong các đại biểu ủng hộ để chúng ta hình thành nên hệ thống GTVT ở ĐBSCL, đánh thức tiềm năng, thế mạnh của khu vực này, hướng tới phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
Rút kinh nghiệm khi làm đường sắt đô thị
Đề cập vấn đề đường sắt đô thị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định đây là loại hình giao thông hiện đại, góp phần giảm ùn tắc hiệu quả ở thành phố lớn. Thời gian qua, Bộ GTVT và các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM làm chủ đầu tư nhiều dự án, tuy nhiên bộc lộ nhiều vấn đề, nhất là chậm tiến độ dù Chính phủ, Bộ GTVT và thành phố họp, chỉ đạo rất nhiều.
“Qua những dự án hiện nay, chúng tôi rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong chuẩn bị, lựa chọn nhà đầu tư cũng phải rút kinh nghiệm chọn công nghệ và nhà thầu tốt”, ông Thể nói.