Trao đổi với Zing sáng 28/11, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam xử lý sự cố 2 máy bay va với nhau tại sân bay Nội Bài.
Theo báo cáo sơ bộ mà Bộ trưởng Thể nhận được, máy bay của Vietjet sau khi hạ cánh, đi vào vị trí đỗ đã "lăn không chuẩn", để đầu mút cánh va vào đầu mút cánh của một máy bay khác đang đỗ tại sân.
Sáng cùng ngày, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho hay đã lập tổ điều tra và các thành viên đến sân bay Nội Bài hôm nay để kiểm tra hiện trường, hộp đen của máy bay gây ra sự cố để làm rõ nguyên nhân.
"Khả năng cao là lỗi con người; tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải chờ kết quả điều tra cụ thể", ông Thắng chia sẻ.
Phần đầu mút cánh (winglet) của máy bay rụng xuống đất sau cú va chạm. Ảnh: Diễn đàn hàng không. |
Trước đó, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc Trần Hoài Phương đã đến hiện trường tối 27/11 để kiểm tra. Ông cho biết chiếc máy bay đang đỗ ở ô 52D đúng vị trí quy định. Do đó, Cảng vụ Hàng không nhận định việc để xảy ra va quệt chủ yếu liên quan đến phi công đánh lái máy bay vào ô đỗ 52C.
Trong lĩnh vực đòi hỏi an toàn tuyệt đối như hàng không, dù một vụ việc suýt gây ra va chạm giữa các phương tiện tại khu bay cũng được nhà chức trách hàng không ghi nhận và xử phạt người có liên quan để răn đe.
Đầu tháng 11, khi xuất hiện vụ va chạm giữa 2 máy bay Bamboo Airways tại Nội Bài, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã yêu cầu các đơn vị liên quan cần kiểm tra, chấn chỉnh công tác bảo đảm an toàn của các hãng hàng không, sân bay và các đơn vị cung ứng dịch vụ mặt đất trong cả nước.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một tháng sau, vụ va chạm thứ hai đã xảy ra giữa 2 máy bay của Vietjet tại cùng địa điểm là bãi đỗ sân bay Nội Bài. Ở cả hai vụ việc, nhà chức trách hàng không đánh giá nguyên nhân sơ bộ là lỗi của con người (phi công, nhân viên kéo đẩy máy bay).
Bối cảnh xảy ra sự cố là khi ngành hàng không vẫn đang ở giai đoạn thấp điểm, tần suất bay chưa cao, hạ tầng hàng không chưa quá tải và đơn vị vận hành bay cũng chưa phải chịu nhiều áp lực từ việc delay, chậm chuyến như giai đoạn cao điểm.
Những sự cố trên đặt ra dấu hỏi về quy trình khai thác an toàn tại sân bay và chất lượng phi công, nhân viên phục vụ mặt đất sau thời gian dài phải giảm tần suất làm việc vì dịch bệnh.
Trao đổi với Zing, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, Tổng giám đốc Công ty CP Đào tạo Bay Việt, nhận định thời điểm khôi phục tần suất bay vừa qua là cơ hội để các phi công "bay hồi phục" hay "khôi phục cảm giác bay" sau thời gian dài nghỉ bay vì dịch bệnh.
Do tần suất bay sụt giảm, các hãng hàng không đã áp dụng giải pháp cho phi công bay luân phiên để duy trì năng định. Các hãng cũng phải bỏ thêm chi phí sử dụng các phòng SIM (buồng lái mô phỏng) để phục hồi kỹ năng cho phi công.
18h10 ngày 27/11, máy bay số hiệu VN-A544 của Vietjet chở theo 120 hành khách khởi hành từ Đà Lạt hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Sau khi hạ cánh, phi công điều khiển máy bay lăn vào vị trí đỗ số 52C.
Khi lăn vào bãi, đầu mút cánh (winglet) của máy bay VN-A544 quệt vào đầu mút cánh của một máy bay Vietjet khác đang đỗ tại ô số 52D. Hậu quả, đầu mút cánh của 2 máy bay bị hư hỏng. Trong đó, một mảnh đầu mút cánh của máy bay VJ404 gãy rụng xuống đất.
Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã tạm giữ bằng lái của phi công trên chuyến bay VJ404 và làm việc với nhân viên đánh tín hiệu đường băng (signalman) để điều tra nguyên nhân. Hai máy bay va chạm với nhau phải tạm dừng khai thác.