Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng dầu mỏ Ả-rập Xê-út: Sao phải giảm sản xuất dầu?

Bất chấp việc giá dầu đang tuột dốc không phanh, đại diện của quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới vẫn cho thấy OPEC không có ý định cắt giảm sản xuất để kìm hãm điều này.

Ali al-Naimi, Bộ trưởng dầu mỏ của Ả-rập Xê-út đã nhún vai trước đề nghị cắt giảm sản xuất dầu để đảo ngược sự sụt giá của mặt hàng này, đồng thời tuyên bố sản lượng đầu ra của "vàng đen" sẽ vẫn giữ ở mức ổn định trong thời gian tới, theo Reuters.

"Tại sao chúng tôi lại phải cắt giảm sản xuất?"

Những bình luận của Naimi bên lề hội nghị thường niên về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc tại Lima, Peru, gắn liền với thông điệp ông đưa ra tại cuộc họp của OPEC hai tuần trước: "Thị trường sẽ tự trở nên cân bằng mà không cần sự can thiệp của chính quyền". Tuy nhiên, điều này lại được xem như sự chuyển biến của Ả-rập Xê-út từ việc thực hiện những chính sách quản lý dài hạn sang hành động như một nhà ấn định giá.

Giá dầu đã giảm tới 13 USD một thùng kể từ sau cuộc họp tháng 11. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu có nên giảm sản lượng dầu trước cuộc họp tiếp theo của OPEC vào tháng 6 tới, Naimi ngay lập tức phản hồi: "Tại sao chúng tôi lại phải cắt giảm sản xuất?"

Cũng trong hội nghị này, Ngoại trưởng Venezuela đồng thời cũng là phái viên cấp cao của OPEC Raphael Ramirez, trước câu hỏi của Naimi lại có ý kiến khác: "Đó là công việc của chúng ta, chúng ta muốn thị trường ổn định và dễ dự đoán".

Raphael Ramirez - ngoại trưởng Venezuela lại có ý kiến khác khi giá dầu liên tục tụt giảm.

Ramirez cũng cho biết Venezuela đang xem xét có nên kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn cấp của OPEC sau khi xem xét biến động giá dầu trong quý đầu tiên của năm mới. Tháng trước, các nhà sản xuất dầu mỏ tại khu vực vùng Vịnh đã bác bỏ đề xuất của quốc gia này về việc cắt giảm sản xuất dầu.

Những ý kiến trái chiều trên đang cho thấy sự mâu thuẫn trong nội bộ Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ. Trong khi những nước ở vùng Vịnh đã dự trữ đủ tiền mặt cho một cuộc chiến giá thấp thì những nền kinh tế dễ bị tổn thương như Venezuela lại trở nên căng thẳng khi giá dầu xuống dưới 100 USD.

Naimi cho biết Ả-rập Xê-út sản xuất khoảng 9,6 đến 9,7 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 11 - một con số phù hợp với dự báo hồi tháng 10. Ông cho hay:

"Sẽ chẳng có gì thay đổi trừ phi các khách hàng khác đến và nói rằng họ muốn có nhiều dầu hơn".

Bình luận này của Naimi đưa ra sau khi những con số thống kê cho thấy dự trữ dầu mỏ của Mỹ đang tăng mạnh, cùng với việc OPEC hạ mức dự báo về nhu cầu dầu mỏ trong năm 2015 xuống 280.000 thùng mỗi ngày.

Tác nhân thị trường và quốc gia tư bản

Quyết định của Ả-rập Xê-út khi để các tác nhân thị trường chiếm ưu thế đã gây ra trạng thái rơi tự do của thị trường dầu mỏ. Giới thương nhân đang tự hỏi giá dầu sẽ hạ đến mức nào trước khi có sự can thiệp của chính quyền, đồng thời mong đợi sự hạ nhiệt từ sản lượng đầu ra của Mỹ - vốn đang gây ra dư thừa về nguồn cung trên thế giới.

Giá dầu thấp là hậu quả của cuộc chiến giữa OPEC và Mỹ.

Đối với Venezuela, một trong những thành viên được xem là dễ bị tổn thương nhất của OPEC thì sự trượt giá này càng trở nên khốc liệt. Vào thứ 4, mức giá dầu thô xuất khẩu của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm - đạt 61,92 USD mỗi thùng. 

"Sự sụt giảm giá dầu chẳng đem lại lợi ích cho ai"- Ramirez nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn, ông cho rằng mức giá 100 USD mỗi thùng là "đẹp và công bằng". Ông cũng bổ sung:

"Giá dầu có chu kỳ của riêng nó và điều này cho phép chúng tôi xây dựng năng lực sản xuất của mình. Bất cứ ai đang tỏ ra phấn khích và vỗ tay với giá dầu thô bây giờ, họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng sau này khi chưa có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu vốn đang bị đẩy lên cao của thế giới".

Trong khi đó, bộ trưởng dầu mỏ Ả-rập Xê-út lại có nhận định hoàn toàn khác: "Các vị đến từ những quốc gia tư bản và các vị biết rõ thị trường sẽ làm gì. Với bất kỳ một loại hàng hóa nào, chúng đều lên và xuống. Đúng vậy, lên và xuống".

Khi được hỏi liệu mình có cảm thấy lo lắng về giá dầu hiện tại, Naimi trả lời: "Các vị đã thấy tôi lo lắng bao giờ chưa?"

 

Vũ Vũ

Bạn có thể quan tâm