Phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương sáng nay (29/12), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng xuất khẩu là điểm sáng của năm 2017 khi tăng trưởng ở mức cao, đạt trên 2 con số. Ông đánh giá có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, kết quả đó thể hiện được khả năng của nền kinh tế, cùng với việc bám sát tình huống trên thế giới để có sự điều hành cụ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng ngành, lĩnh vực.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã khai thác thành công các hiệp định tự do thương mại song phương với các đối tác như EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, ASEAN giúp xuất khẩu tăng cao. Các thị trường này thường có mức tăng trưởng từ 17-50%.
Năm 2017 chứng kiến chiến lược xuất khẩu phát triển bền vững. Việt Nam nâng từ 26 lên 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Các ngành hàng tăng trưởng theo cả chiều rộng và sâu, và mang lại kết quả cho doanh nghiệp trong nước.
Thuốc lá là một trong những mặt hàng buôn lậu lớn nhất nhiều năm nay. Cửa khẩu Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu – An Giang thường xuyên diễn ra những cảnh như thế này. Ảnh: Ngọc Trinh. |
“Năm 2017, thương mại thế giới xuất hiện nhiều biểu hiện mới của bảo hộ mậu dịch và thương mại song phương. Tuy nhiên, các hoạt động tiếp xúc song phương, đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đối tác lớn giúp chúng ta vượt trở ngại”, ông nói.
Để có được thành tích cao của xuất khẩu, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp cụ thể hỗ trợ sản phẩm, các ngành. Một số ngành hàng quan trọng như dệt may, da giày, chế biến, chế tạo nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, doanh nghiệp có niềm tin đầu tư, sản xuất và hứng khởi phát triển.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh thành công khi thai thác các thị trường mới, thực thị các hiệp định tự do thương mại song phương trong năm 2017. Nhiều vụ tranh chấp thương mại liên quan đến sắt thép, phân bón, hóa chất… đã được xử lý thành công, giúp tăng trưởng cả công nghiệp và xuất khẩu.
Về nhiệm vụ năm 2018, người đứng đầu ngành công thương cho rằng cần tiếp tục đà phát triển của năm 2017, đồng thời tổ chức tốt hơn việc cải cách hành chính, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở cả trung ương và địa phương.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh công tác quản lý thị trường cần được đẩy mạnh, nhất là công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ông thừa nhận tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng còn tương đối phổ biến ở Việt Nam. Quản lý thị trường đang được tổ chức theo ngành dọc và sẽ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thự thi công vụ.
Người đứng đầu ngành công thương nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp các lực lượng khác nhau, từ trung ương đến địa phương trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng kém chất lượng.