Đây là cuộc họp tổ chức riêng về vụ lùm xùm của thương hiệu Khaisilk sau khi có báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội. Các đơn vị liên quan đã báo cáo về việc kiểm tra và xử lý vụ vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.
Cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai, nơi bán hàng một sản phẩm với 2 nhãn mác "made in China" và cả "made in Vietnam". Ảnh: Quỳnh Trang. |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xây dựng kế hoạch kiểm tra vụ việc.
Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ có sự tham của nhiều đơn vị như: Cảnh sát kinh tế, Thuế, Hải quan, Bộ Khoa học - Công nghệ, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội Dệt may Việt Nam… để xây dựng nội dung, đề cương kế hoạch kiểm tra.
Bộ trưởng Tuấn Anh còn đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ dấu hiệu vi phạm của Tập đoàn Khaisilk, Công ty TNHH Khải Đức và chi nhánh của Công ty TNHH Khải Đức tại 113 Hàng Gai.
Các mẫu sản phẩm lụa thu giữ được tại cửa hàng 113 Hàng Gai sẽ được giám định để xem xét chất lượng và mẫu mã, phục vụ điều tra. Việc kiểm tra được yêu cầu thực hiện một cách nghiêm khắc và khẩn trương theo đúng quy định.
Trong buổi kiểm tra chiều 26/10, cơ quan chức năng đã thu giữ một số sản phẩm tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai với giá trị khoảng 30 triệu đồng.
Trước đó, cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai bị khách hàng tố bán hàng xuất xứ Trung Quốc nhưng lại in nhãn mác “Khaisilk made in Vietnam”.
Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh, việc ông Hoàng Khải thừa nhận nhập hàng Trung Quốc để bán với thương hiệu và xuất xứ Việt Nam có những dấu hiệu vi phạm pháp luật nhất định.
Đầu tiên có thể kể đến vi phạm Luật sở hữu trí tuệ. Khi đăng ký nhãn hiệu bảo hộ một sản phẩm nào đó, doanh nghiệp phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nếu trong thời gian vừa qua, khách hàng mua phải sản phẩm của Trung Quốc là họ đã bị lừa dối. Như vậy doanh nghiệp vi phạm Điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Ngoài ra, chủ thương hiệu này chỉ thừa nhận khi có người tiêu dùng phát hiện ra, đó là hành vi che giấu, vi phạm Điều 8, Luật Bảo vệ người tiêu dùng.