Thượng tướng Lương Tam Quang trình dự thảo luật. Ảnh: Quốc hội. |
Dự thảo Luật gồm 9 chương, 65 điều, trong đó dành riêng một chương quy định về “phòng cháy”.
Dự thảo luật kế thừa và bổ sung các quy định mới để khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy. Dự thảo luật cũng quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.
Dự thảo luật bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan, để bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Liên quan quy định về chữa cháy, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết, dự thảo luật chỉnh lý, bổ sung một số quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và nâng cao hiệu quả hoạt động chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.
Về cứu nạn cứu hộ, dự thảo luật quy định phạm vi hoạt động cứu nạn cứu hộ của lực lượng, tổ chức, quyền, trách nhiệm của người chỉ huy. Cùng với đó, huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia, xây dựng, thực tập phương án, trách nhiệm, ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn cứu hộ.
Ngoài ra, dự thảo luật bổ sung quy định xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, Bộ trưởng Công an cho biết, dự thảo luật đã bổ sung quy định phương tiện cứu nạn cứu hộ, và chỉnh lý, hoàn thiện nội dung về phương tiện phòng cháy chữa cháy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Công an TPHCM diễn tập phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Phong Anh. |
Về bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ quy định về huấn luyện, bồi dưỡng, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ...
Điều 17 dự thảo luật về phòng cháy đối với nhà ở quy định cụ thể điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở. Theo đó, hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn phòng cháy; chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; có giải pháp thoát nạn; chuẩn bị thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn.
Đối với loại hình nhà ở có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy thì thực hiện theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đặc biệt, theo dự thảo, điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh thực hiện theo quy định nói trên và phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quốc hội. |
Trình bày báo cáo thẩm tra về hoạt động phòng cháy, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy đối với từng loại quy hoạch để có giải pháp, thiết kế về phòng cháy, chữa cháy phù hợp.
Cần xác định rõ hơn cách thức áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện đối với từng loại công trình, dự án, phân loại rõ công trình cải tạo đến mức nào thì mới phải có giải pháp, thiết kế phòng cháy, chữa cháy. Rà soát, thống nhất các quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục, phân công phối hợp trong thẩm tra, thẩm định, nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với từng loại hình cơ sở trên từng địa bàn, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Trong đó cần quy định cụ thể về yêu cầu thiết kế, lắp đặt hệ thống điện, nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý phương tiện giao thông chạy bằng điện...
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.