Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo xây dựng pháp luật'

Nhấn mạnh việc cần đổi mới mạnh mẽ trong xây dựng và thực thi pháp luật, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải trực tiếp lãnh đạo, theo dõi, kiểm tra công tác này.

Ngày 29/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2021 với nhiều quyết định quan trọng, mang tính đột phá. Đây là nội dung Thủ tướng đặc biệt quan tâm ngay sau khi Chính phủ được kiện toàn.

Nhận định tình hình thực tế đang diễn ra rất nhanh với nhiều vấn đề cần xử lý, Người đứng đầu Chính phủ triệu phiên họp chuyên đề nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, cơ chế, chính sách.

Đổi mới công tác xây dựng pháp luật

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đổi mới và hoàn thiện thể chế là một trong 3 khâu đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt, trong cuộc họp mới đây, Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; không để gián đoạn sản xuất.

Đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành trong công tác xây dựng pháp luật 6 tháng đầu năm, song Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế mà nguyên nhân khách quan, có phần do phải dành nhiều nguồn lực để vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép.

Thu tuong don doc nhiem vu xay dung phap luat anh 1

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đổi mới và hoàn thiện thể chế là một trong 3 khâu đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: VGP.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng nguyên nhân chủ quan là lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành chưa quyết liệt, sát sao, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong soạn thảo pháp luật có lúc, có nơi chưa nghiêm.

Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh trước hết phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực thi pháp luật.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục đổi mới việc triển khai công tác này theo hướng kịp thời hơn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Cùng với đó, đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực thi pháp luật. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh các bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng thể chế và thực thi pháp luật.

Nêu rõ cần phân công, phân cấp rõ ràng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, song Thủ tướng lưu ý tăng cường lấy ý kiến thành viên Chính phủ, cơ quan có liên quan, chuyên gia pháp luật, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn khi xây dựng pháp luật.

Về nguồn lực và nhân lực, Thủ tướng nêu rõ cần tăng cường cán bộ có năng lực, tâm huyết và trách nhiệm; đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí thỏa đáng và có ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xây dựng, hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật.

Hơn 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, thông qua 8 nội dung quan trọng, trong đó có đề nghị xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thu tuong don doc nhiem vu xay dung phap luat anh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2021. Ảnh: VGP.

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch lần này bổ sung thêm nhiều nội dung mới so với Nghị quyết 42 năm 2020 của Chính phủ. Theo Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 26.000 tỷ đồng.

Về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan bám sát, thực hiện nghiêm túc các kết luận của Bộ Chính trị; tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm chính sách phủ kín được những người cần hỗ trợ, trong đó bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là lao động tự do.

Thủ tướng nhấn mạnh nghị quyết này phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn. Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tiền lương

Theo quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giữ vai trò Trưởng ban.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm