Cuộc điều tra này được thực hiện để xác định xem liệu lốp xe có được bán với giá thấp hơn giá trị hợp lý hay không, theo Reuters.
Bộ này cho biết họ cũng đang điều tra xem liệu các nhà sản xuất lốp xe tại Việt Nam có nhận được trợ cấp cho lốp xe khách và lốp xe tải nhẹ (PVLT) hay không.
Các cuộc điều tra được thực hiện theo các kiến nghị được đệ trình vào tháng 5 bởi United Steelworkers (USW), đại diện cho công nhân tại các nhà máy lốp xe của Mỹ.
“Mặc dù nhu cầu về lốp xe PVLT tăng lên, các nhà sản xuất trong nước vẫn buộc phải vật lộn với việc thị phần bị giảm, lợi nhuận giảm và mất việc làm”, Chủ tịch quốc tế của USW Tom Conway nói.
Mỹ đã nhập khẩu gần 4 tỷ USD lốp xe từ bốn quốc gia, bao gồm gần 2 tỷ USD từ Thái Lan và 1,2 tỷ USD từ Hàn Quốc vào năm 2019. USW cho biết nhập khẩu lốp xe từ bốn quốc gia đã tăng gần 20% kể từ năm 2017, đạt 85,3 triệu lốp.
Bộ Thương mại cho biết cáo buộc tỷ lệ bán phá giá dao động từ 43-195% đối với Hàn Quốc, 21-116% đối với Đài Loan, 106-217,5% đối với Thái Lan và 5-22% đối với Việt Nam.
Lốp xe Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan đã bị USW khiếu nại phòng vệ thương mại. Ảnh: Báo Đấu thầu. |
USW đại diện cho công nhân tại các nhà máy lốp xe của Michelin (MICP.PA), Goodyear (GT.O), Cooper (CTB.N), Sumitomo (8053.T) và Yokohama (5101.T) tại Ohio, Arkansas, North Carolina, Kansas , Indiana, Virginia New York và Alabama.
Tháng này, Hankook Tyres (161390.KS) của Hàn Quốc kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ không điều tra và nói rằng ngành công nghiệp lốp xe nội địa của Mỹ “đang hoạt động tốt và đang phát triển”. Hankook Tyres cho biết trong hồ sơ rằng “nhìn chung các nhà sản xuất lốp xe ôtô nội địa Mỹ không bị thiệt hại và đe dọa thiệt hại vì hàng nhập khẩu”.
Bộ Công Thương Việt Nam nói với Bộ Thương mại Mỹ nền kinh tế của Việt Nam “phụ thuộc rất nhiều vào xe hạng nhẹ và xe khách để vận chuyển và đi lại. Ngành công nghiệp lốp xe PVLT rất quan trọng cho việc tiếp tục phát triển kinh tế của chúng tôi”.