Nghị định mới đưa ra một số tiêu chuẩn, điều kiện để viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề.
Viên chức phải được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật. Viên chức có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn.
Viên chức phải đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng, phải đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu.
Ngoài tiêu chuẩn, điều kiện quy định nêu trên, Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành có trách nhiệm quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với trường hợp thăng lên hạng II và hạng I thuộc ngành, lĩnh vực quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp dự xét, bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ và quyền lợi của viên chức.
Bỏ thi thăng hạng sẽ bớt một thủ tục 'làm khó' giáo viên. Ảnh minh họa: Tuấn Anh. |
Như vậy, Chính phủ đã bỏ hình thức thi thăng hạng và giữ quy định về xét thăng hạng.
Với viên chức đã thi hoặc xét thăng hạng trước đó vẫn áp dụng theo quy định cũ trong thời hạn 6 tháng tiếp theo. Sau 6 tháng, nếu các đơn vị không hoàn thành phê duyệt kết quả thăng hạng viên chức đã thi hoặc xét thăng hạng thì phải thực hiện theo Nghị định này.
Việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và giữ xét thăng hạng được sự đồng tình, ủng hộ cao của các bộ, ngành, địa phương và đội ngũ viên chức, đặc biệt là viên chức trong ngành giáo dục, y tế.
Về các lý do bỏ thi thăng hạng theo Bộ Nội vụ đó là: Viên chức tập trung chủ yếu ở ngành giáo dục, y tế, khoa học công nghệ là những ngành chưa ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi, do vậy rất khó để tiến hành tổ chức thi.
Viên chức được quy định vị trí việc làm chưa rõ ràng, mà số lượng viên chức rất lớn, khoảng gần 2 triệu viên chức trong cả nước. Việc tổ chức thi hàng năm rất khó, số lượng tổ chức thi được rất ít. Do vậy, những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện xếp hàng dài chưa được thi, ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao trình độ, quyền lợi chính đáng của đội ngũ viên chức, đặc biệt là giáo viên.
Trong việc thi có tiêu chuẩn điều kiện là phải có chứng chỉ chuyên ngành. Ví dụ phóng viên báo chí muốn thi nâng ngạch báo chí phải có chứng chỉ chuyên ngành báo chí; tương tự, bác sĩ cũng vậy. Nếu chưa tổ chức được việc học thì chưa có chứng chỉ và chưa đủ điều kiện dự thi.
Quá trình thi rất tốn kém, phải chi phí rất nhiều cho ban tổ chức thi, thí sinh cũng phải bỏ thời gian ôn thi, đi lại tốn kém và chi phí xã hội rất lớn.
Các kỳ thi thời gian qua chưa gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng viên chức bởi nội dung còn hình thức, chưa sát vị trí việc làm, đặc thù công việc, chưa phản ánh thực chất năng lực. Viên chức trước và sau khi thăng hạng không có sự khác biệt về chất lượng công việc, năng lực.
Thực tế, trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, mà họ trả lương theo vị trí việc làm.
Về tuyển dụng viên chức, Nghị định 85 quy định vòng 1 thi kiểm tra kiến thức chung bằng hình thức trắc nghiệm trên máy vi tính. Nội dung thi gồm 2 phần: Kiến thức chung, Ngoại ngữ. Như vậy, phần thi tin học khi tuyển dụng viên chức đã được bãi bỏ.
Nghị định 85 cũng bổ sung những đối tượng được miễn phần thi ngoại ngữ.