Bỏ thi ĐH, làm giàu nhờ nuôi ba ba
Bài học và sự thất bại chua xót của người cha sau 20 năm theo nghề nuôi ba ba không ngăn nổi ước mơ vươn lên làm giàu của Đoàn Thanh Sơn.
Đoàn Thanh Sơn ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, Yên Bái, bước vào nghề nuôi ba ba trong sự phản đối kịch liệt của gia đình. Bởi thất bại nhãn tiền từ nghề nuôi ba ba của cha Sơn vẫn còn đó và luôn ám ảnh mỗi thành viên trong gia đình. Sơn kể, nghề nuôi ba ba khiến cha anh rơi vào cảnh khuynh gia bại sản. 20 năm theo nghề, tốn không biết bao nhiều tiền đầu tư, cuối cùng thất bại, ông phải nhờ hàng xóm tới dỡ nhà, lấy tài sản gán nợ vì không có tiền trả nợ.
Chưa kể trước đó, Sơn còn có quyết định mà bạn bè cho là gàn dở: học hành không thua kém bạn bè nhưng sau khi tốt nghiệp THPT, bạn bè miệt mài ôn thi đại học thì Sơn đi học nghề chăn nuôi, ôm mộng mở trang trại từ mảnh đất nơi cha từng thất bại.
Đoàn Thanh Sơn tại trang trại nuôi ba ba sinh sản. |
Trước khi dốc tiền đầu tư nuôi ba ba gai, Sơn nghiên cứu kỹ lưỡng, mổ xẻ chi tiết từng bài học dẫn đến thất bại trong nghề này khiến gia đình từng rơi vào cảnh rau cháo nuôi nhau. Sơn cho rằng, nguyên nhân thất bại của cha là quá thiếu tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, nuôi chủ yếu dựa bằng kinh nghiệm cá nhân.
Con giống thu gom trôi nổi nên ba ba thương phẩm có chất lượng không đồng đều, rất khó bán. Người nuôi ba ba khi ấy chưa biết cách tiếp thị sản phẩm ra thị trường khiến đồng vốn đầu tư bị ứ đọng, rất khó xoay vòng tái đầu tư.
Vừa miệt mài học tập, tham quan mô hình nuôi ba ba tích lũy kiến thức, Đoàn Thanh Sơn vừa tìm cách thuyết phục gia đình ủng hộ dự án khởi nghiệp từ nghề nuôi ba ba. Khi biết không thể cản nổi quyết tâm của Sơn, gia đình chỉ đồng ý hỗ trợ 30 triệu đồng vốn ban đầu. Vay thêm 20 triệu đồng, Sơn dốc sức lao động, đầu tư xây khu ao ba ba rộng gần 2.000 m2.
Khởi nghiệp với 40 cặp ba ba gai, đến nay trang trại nuôi ba ba của Đoàn Thanh Sơn đã tăng lên hơn 100 cặp sinh sản, mỗi năm cung cấp cho thị trường khu vực phía bắc khoảng 5.000 con giống. Ngoài ra, trong trang trại của Sơn lúc nào cũng nuôi hàng trăm con ba ba thương phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ của các nhà hàng, khách sạn lớn tại Yên Bái và các tỉnh xung quanh.
Sau gần 5 năm khởi nghiệp, Sơn gây dựng được cho riêng mình một trang trại nuôi ba ba bề thế. Theo tính toán của ông chủ trẻ, tiềm năng của trang trại vẫn còn rất lớn. Ba ba non chưa chào đời đã có người đặt tiền. Ba ba gai thương phẩm thì dễ bán, giá cao và không sợ thiếu đầu ra. Thế nên, Sơn đang tích lũy vốn đầu tư, nâng quy mô trang trại lên đến 500 cặp sinh sản, mở rộng đàn ba ba gai đáp ứng nhu cầu con giống, thực phẩm cho thị trường.
Thành công ban đầu trong nghề nuôi ba ba khiến trang trại của Sơn trở thành điểm đến tham quan, học tập kinh nghiệm của thanh niên trong tỉnh. Hiện tại, Sơn đang trực tiếp tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp con giống giúp 4 thanh niên trong xã gây dựng mô hình nuôi ba ba thương phẩm.
Sơn cho rằng, thành công từ nghề nuôi ba ba hôm nay được khơi nguồn từ những thất bại của người cha. Dù không nói ra nhưng Sơn hiểu, cha nặng lòng và tâm huyết với nghề này. “Đến giờ, cha vẫn luôn là người thầy lớn và cộng sự đắc lực truyền dạy, chỉ bảo kinh nghiệm và bí quyết trong nghề nuôi ba ba”, Sơn nói.