Ngày 10/3/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2015. Trong đó, tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, nhiên liệu bay từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít...
Bộ Tài chính đánh giá, theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do trong nội khối ASEAN (ATIGA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc (Hiệp định ACFTA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc (Hiệp định AKFTA), Việt Nam phải thực hiện lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu.
Đồng nghĩa, chênh lệch giữa mức thuế nhập khẩu tối huệ quốc (mức thuế MFN) hiện hành với mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định nêu trên là 5%-35% tuỳ chủng loại và khoảng cách này ngày càng tăng vào các năm tiếp theo.
Như vậy, cùng một mặt hàng (xăng dầu) sẽ có nhiều mức thuế nhập khẩu khác nhau, dẫn đến rủi ro về ngân sách nhà nước, cũng như rủi ro cho cả kinh tế trong nước khi các nước xuất khẩu tăng giá bán xăng dầu.
Để thống nhất mức thuế nhập khẩu đối với xăng dầu thì cần phải điều chỉnh mức thuế MFN bằng mức thuế ưu đãi nhất theo các cam kết quốc tế (mức thuế ATIGA). Điều này chắc chắn sẽ tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng thuế môi trường lên gấp 3 là để bù đắp ngân sách thâm hụt và không làm tăng giá xăng dầu bán lẻ trong nước. |
Vì thế, việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường chỉ nhằm đảm bảo bù đắp khoảng 84% mức giảm thu ngân sách nhà nước khi giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế.
Cụ thể, số thu ngân sách từ xăng dầu bình quân năm (2015-2017) sẽ giảm khoảng 28.253 tỷ đồng, trong đó thuế nhập khẩu giảm khoảng 25.162 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm khoảng 525 tỷ đồng và thuế giá trị gia tăng giảm khoảng 2.566 tỷ đồng. Trong khi đó, việc tăng thêm 2.000 đồng thuế môi trường mỗi lít xăng chỉ đem về nguồn thu khoảng 23.680 tỷ đồng.
“Việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường như trên sẽ không làm tăng giá xăng, dầu trong nước khi cùng một mặt bằng giá xăng dầu thế giới, cơ cấu thuế trong giá xăng, dầu không tăng mà còn giảm (mức tăng thuế bảo vệ môi trường như trên vẫn thấp hơn mức thuế nhập khẩu giảm do thực hiện theo các cam kết quốc tế)”, Bộ Tài chính khẳng định.
Ngoài ra, nếu cộng thêm cả thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng thêm (2.000 đồng/lít) thì giá xăng Ron 92 của Việt Nam vẫn thấp hơn giá xăng Ron 92 của một số nước trong khu vực (thấp hơn Campuchia: 4.198 đồng/lít; Lào 5.290 đồng/lít; Trung Quốc: 918 đồng/lít; thấp hơn Thái Lan 2.045 đồng/lít tại thời điểm ngày 10/03/2015.
Khẳng định việc tăng thuế môi trường là để bù đắp một phần giảm nguồn thu ngân sách nhưng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, chính sách lần này còn thực hiện nhiều mục đích dài hơi khác, như khuyến khích sử dụng xăng sinh học thay thế xăng khoáng.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, trên cơ sở mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính sẽ thực hiện điều hành chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp để người dân được hưởng lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm.
Chiều 11/3 giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã bất ngờ tăng mạnh, tới 1600 đồng/lít đối với mặt hàng xăng và 900 đồng với các mặt hàng dầu. Đây là mức tăng được đánh giá là "sốc" sau 15 đợt giảm giá xăng liên tục suốt từ cuối năm 2014 đến nay. Hiện mỗi lít xăng RON 92 có giá bán 17.280 đồng/lít.