Tháng 10 năm ngoái, Samsung bất ngờ thông báo sự ra đi của thế hệ lãnh đạo thứ hai của tập đoàn - nhà tài phiệt Lee Kun Hee. Ông Lee là người dẫn dắt Samsung với vai trò Chủ tịch từ năm 1987 đến năm 2008, góp phần đưa tên tuổi gã khổng lồ điện tử trở thành tập đoàn xưng bá trên thị trường công nghệ châu Á và thế giới.
Theo ước tính của Forbes, ông Lee Kun Hee là người giàu nhất Hàn Quốc với tài sản xấp xỉ 20,1 tỷ USD. Ông Lee ra đi để lại khối gia tài khổng lồ dưới nhiều loại hình tài sản như chứng khoán và bất động sản. Khối tài sản này sẽ được chia cho gia đình và các con ông Lee sau khi người thừa kế của ông nộp đủ thuế thừa kế theo đúng luật pháp Hàn Quốc.
Khoản thuế khổng lồ
Lúc còn sống, cố chủ tịch Samsung là người giàu có nhất ở Hàn Quốc. Ông nắm giữ cổ phần tại 4 công ty Samsung với trị giá khoảng 18.200 tỷ won (16,1 tỷ USD). Trong đó, có 4,18% cổ phiếu phổ thông và 0,08% cổ phiếu ưu đãi của Samsung Electronics, tổng trị giá khoảng 15.000 tỷ won (13,3 tỷ USD); 20,76% cổ phần của Samsung Life Insurance, trị giá khoảng 2.600 tỷ won (2,3 tỷ USD).
Hàn Quốc là quốc gia có mức thuế thừa kế cao thứ nhì trên thế giới (50%), chỉ đứng sau Nhật Bản (55%). Theo Asiatimes, ngoài mức thuế danh nghĩa 50%, luật thừa kế Hàn Quốc còn quy định một khoản phí bổ sung nếu cổ phiếu được thừa kế được xem như cổ phiếu có quyền kiểm soát, làm tổng tỷ lệ có thể tăng lên tới 60%.
Cố Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee qua đời để lại khối tài sản khổng lồ ước tính 20,1 tỷ USD. Ảnh: AP. |
Do đó, thuế thừa kế của gia tộc họ Lee sau khi ông Lee Kun Hee qua đời có thể là mức thuế thừa kế lớn nhất mà một gia đình phải trả từ trước đến nay trong lịch sử luật thừa kế. Theo quy định về thuế ở Hàn Quốc, người thừa kế của người giàu nhất Hàn Quốc phải đóng khoản thuế thừa kế lên đến ít nhất 11.000 tỷ won (9,8 tỷ USD).
Với khoản thuế phải đóng lớn chưa từng có, ông Jay Y. Lee - người thừa kế đế chế Samsung phải xoay sở khoản tiền mặt khổng lồ để hợp pháp hóa quyền thừa kế phần tài sản được để lại từ người cha quá cố.
Các chuyên gia phân tích cho biết các công ty thuộc tập đoàn Samsung có thể lựa chọn cách tăng cổ tức để ông Lee trả khoản thuế thừa kế khổng lồ. Tuy nhiên, phương án sử dụng những tác phẩm nghệ thuật thuộc sở hữu của nhà họ Lee có thể giúp đế chế Samsung tiết kiệm một khoản tiền mặt lớn.
Trả thuế bằng tác phẩm nghệ thuật
Theo Bloomberg, cố Chủ tịch tập đoàn Samsung Electronics Lee Kun-hee sở hữu một trong những bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân lớn nhất thế giới. Bộ sưu tập bao gồm một bức chân dung Dora Maar của danh họa Pablo Picasso, tranh hoa súng của Claude Monet và hàng nghìn tác phẩm tranh nghệ thuật khác.
Theo một chuyên gia thẩm định tác phẩm nghệ thuật, bộ sưu tập tranh của cố chủ tịch Lee ước tính có giá từ 2.500 - 3.000 tỷ won (2,2 - 2,7 tỷ USD). Hơn hết, các tác phẩm nghệ thuật có thể giúp những người thừa kế của nhà họ Lee "cứu" khoản thuế thừa kế khổng lồ.
Dù luật pháp Hàn Quốc hiện chưa cho phép sử dụng các tác phẩm nghệ thuật để trả thuế, nhiều tổ chức văn hóa đang đề xuất chính phủ xem xét thay đổi quy định để giữ các kho báu nghệ thuật ở lại trong nước.
Ông Chung Joon-mo, người đồng lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Thẩm định và Xác thực Nghệ thuật Hàn Quốc, cho biết: "Ý tưởng nộp thuế thừa kế bằng các tác phẩm nghệ thuật không nhận được nhiều sự ủng hộ vì nhiều người nghĩ nó chỉ mang lại lợi ích cho người giàu. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng việc lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật đẳng cấp thế giới trong nước sẽ mang lại lợi ích cho quốc gia".
Bảo tàng nghệ thuật Leeum Museum 2 của gia tộc Lee ở Seoul. Ảnh: Getty Images. |
Nhà họ Lee sở hữu kho tàng tranh nghệ thuật đáng kinh ngạc. Trong suốt ba thập kỷ, ông Lee Byung-chull - nhà sáng lập tập đoàn Samsung đã tích lũy nhiều tác phẩm nghệ thuật cổ xưa của Hàn Quốc và quyên góp gần như toàn bộ để thành lập bảo tàng Hoam vào năm 1980. Sau đó, con trai và con dâu của ông tiếp tục mua lại các tác phẩm của nghệ sĩ quốc tế, mở rộng bộ sưu tập của gia đình.
Ông Lee Kun-hee nổi tiếng với việc sẵn sàng chi số tiền hậu hĩnh khi nhìn thấy một tác phẩm đáng giá. Năm 2004, gia đình Lee thành lập bảo tàng Samsung’s Leeum, nơi lưu giữ những tác phẩm như “Untitled (Black Figure)” của họa sĩ Jean- Michel Basquiat và "Hai ngọn nến" của danh họa Gerhard Richter.
Bộ sưu tập của nhà họ Lee bao gồm khoảng 13.000 tác phẩm. Nhiều bức họa có giá lên đến hàng triệu USD, như series hoa súng "Nympheas en fleur" của doanh họa Claude Monet từng được bán với giá kỷ lục 84,7 triệu USD tại New York năm 2018.
Hiện, nhiều tác phẩm của họa sĩ nước ngoài trong bộ sưu tập được xem là đối tượng tiềm năng để trả thuế do các tác phẩm nghệ thuật Hàn Quốc đã bị cấm bán vì được xem là bảo vật quốc gia.
Hàn Quốc cho phép người thừa kế nộp thuế trong vòng 5 năm sau khi thông qua số tiền thuế thừa kế phải đóng. Tuy vậy, ông Jay Y. Lee - con trai duy nhất của ông Lee Kun Hee đang chịu án tù 18 tháng vì tội hối lộ. "Thái tử Samsung" đã cam kết tuân thủ pháp luật và không tạo thêm tranh cãi nào về vấn đề thừa kế nữa.
Trên thế giới từng xuất hiện trường hợp nộp tranh nghệ thuật làm thuế thừa kế. Năm 1990, Jacob Rothschild, người thừa kế của đế chế ngân hàng Rothschild lớn hàng đầu thế giới, đã tiết kiệm được 2,8 triệu bảng Anh (3,8 triệu USD) tiền thuế bằng cách nộp các tác phẩm nghệ thuật của mình.
"Cách này biến tài sản văn hóa tư nhân thành tài sản chung của công chúng,” ông Chung nói. "Vì vậy, nó sẽ có lợi cho mọi người", ông nói thêm.