Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ sách không thể thiếu của các vua tôi, kẻ sĩ Trung Quốc

"Tư trị thông giám" là bộ sử biên niên hoàn chỉnh nhất của Trung Quốc thời cổ đại, được xem là bộ sách giáo khoa bắt buộc cho các vua tôi, kẻ sĩ.

Đến nay, Tư trị thông giám vẫn là một bộ sách quan trọng của Trung Quốc, có những đóng góp không thể thay thế đối với lịch sử sử học cũng như văn hóa Trung Quốc.

Tái hiện lịch sử phong kiến đồ sộ của Trung Quốc

Nội dung của bộ Tư trị thông giám bao trùm cả một khoảng thời gian là 1.362 năm lịch sử với 16 triều đại chính thống, từ thời Chu Uy Liệt vương thời nhà Chu (403 trước Công nguyên), và kết thúc vào đời Chu Hiển Đức nhà Hậu Chu (959 sau Công nguyên).

Bộ sách được phân thành 16 kỷ, với 294 quyển sách được chia cụ thể qua các đời: Chu kỷ - 5 quyển; Tần kỷ - 3 quyển; Hán kỷ - 60 quyển; Ngụy kỷ - 10 quyển; Tấn kỷ - 40 quyển; Tống kỷ - 16 quyển; Tề kỷ - 10 quyển; Lương kỷ - 22 quyển; Trần kỷ - 10 quyển; Tùy kỷ - 8 quyển; Đường kỷ - 81 quyển; Hậu Lương kỷ - 8 quyển; Hậu Tấn kỷ - 6 quyển; Hậu Hán kỷ - 4 quyển; Hậu Chu kỷ - 5 quyển.

Ngoài ra còn có 30 quyển Mục lục, 30 quyển Khảo dị. Toàn bộ sách có đến hơn 300 vạn chữ.

Tu tri thong giam anh 1
Bộ sách Tư trị thông giám bản tiếng Việt.

Với Tư trị thông giám, Tư Mã Quang không chỉ đơn thuần ghi chép lại những sự kiện trong lịch sử mà quan trọng hơn, thông qua đó để phân tích sự kiện, nhằm giúp người đời sau có thể soi thấu vào bản chất của sự kiện, để tự đúc rút kinh nghiệm trong việc trị nước, an dân. Dùng chữ Tư trị thông giám, cũng có nghĩa là tấm gương soi chiếu vào để các bậc đế vương thi hành đạo trị quốc.

Tư trị thông giám có kết cấu rất chặt chẽ. Việc ghi chép được sắp xếp theo sự kiện ngày tháng năm rõ ràng, mạch lạc. Đối với những sự kiện đặc biệt quan trọng, tác giả sẽ tóm tắt sơ lược, trình bày cẩn thận để có thể làm rõ nét hơn sự ảnh hưởng của sự kiện đối với toàn cục.

Bộ sách có nội dung ghi chép đa dạng, không chỉ ở lĩnh vực quân sự, kinh tế mà còn rất chú trọng đến sự phát triển của văn hóa tư tưởng.

Về mặt quân sự, Tư trị thông giám có những ghi chép rất chi tiết, sinh động, sắc sảo. Những cuộc chiến tranh đều được trình bày rõ về mặt nguyên nhân, chiến cục, quá trình diễn ra, và ảnh hưởng của nó đến sự phát triển của triều đại.

Ở lĩnh vực kinh tế, những chính sách về ruộng đất, tô thuế, lao dịch cũng được chép cẩn thận, kỹ lưỡng. Phân tích rõ về mặt lợi hại, và sự ảnh hưởng của chúng đối với đời sống nhân dân trong lịch sử mỗi triều đại.

Tư tưởng, văn hóa phong kiến Trung Hoa là một kho tàng vô cùng quý báu, cũng đã được ghi chép khá đầy đủ và hấp dẫn trong bộ sách. Tư trị thông giám đã đề cập đến sự phát triển của văn hóa tư tưởng thông qua các nhân vật đại biểu của năm trường phái Nho gia, Pháp gia, Danh gia, Âm Dương gia, Tung hoành gia.

Thêm vào đó, tư tưởng Hoàng, Lão đầu thời Hán, hay sự độc tôn Nho gia của Hán Vũ đế, sự thịnh hành Huyền học thời Ngụy Tấn cũng được ghi chép đầy đủ.

Tu tri thong giam anh 2
Tập 3 của bộ sách mới được phát hành tại Việt Nam tháng 10/2018.

Những sự kiện được biên soạn vô cùng cẩn trọng khiến độc giả dễ dàng theo dõi, nhưng có thể nói điểm đặc sắc nhất của bộ sử Tư trị thông giám lại nằm ở phần bình luận đa dạng, phong phú, sắc sảo về các sự kiện, nhân vật, chính sách của các triều đại, do chính Tư Mã Quang thực hiện.

Đây chính là điểm nhấn tạo sự cuốn hút, độc đáo của bộ sách.

Kỹ thuật biên soạn đặc sắc

Bộ sử Tư trị thông giám được ghi chép theo lối biên niên, sử dụng phép trường biên và phép khảo dị.

Phép trường biên là sự thu thập sử liệu toàn diện, theo thứ tự năm tháng rõ ràng, ghi ra mục việc, dưới mỗi mục việc ghi rõ tên sách tên quyển của sử liệu có liên quan, gọi là “chúng mục”. Từ phần “chúng mục” ấy, lựa chọn những phần hữu ích cần thiết để biên soạn, có ghi chú đầy đủ nguồn gốc để tiện cho việc kiểm tra, đính chính sau này khi cần.

Biên soạn theo phép trường biên sẽ khiến cho tài liệu được tổng hợp đầy đủ, cũng là khiến Tư Mã Quang có thể đối chiếu, lựa chọn, và bình luận vào những sự kiện quan trọng nhất.

Trong khi đó, phép khảo dị chính là việc khảo chứng cụ thể để nêu rõ căn cứ việc dùng hay bỏ tư liệu, đem kết quả lưu giữ lại trong Thông giám khảo dị của Tư Mã Quang. Phép khảo dị được tạo nên bằng việc lấy những ghi chép đáng tin cậy, so sánh, đối chiếu để biên soạn lại chỗ sai sót, tạo nên Khảo dị làm mẫu cho người sau.

Phép khảo dị của Tư Mã Quang đã mở đường cho sự phát triển của các tác phẩm ghi chép khảo chứng học thuật phát triển, với nhiều danh tác nổi tiếng đua nhau ra đời sau đó như Dung Trai bút ký của Hồng Mại, Nhàn học kỷ văn của Vương Ứng Lân là nổi bật nhất, đều có phụ thêm phần khảo dị.

Tu tri thong giam anh 3
Tác giả Tư Mã Quang, chủ biên bộ sách Tư trị thông giám.

Trong bộ sách Tư trị thông giám, Tư Mã Quang cũng có nhiều đột phá trong việc xây dựng bố cục so với thể loại biên niên của sử sách cũ. Ở Tư trị thông giám, ông đã phối hợp nhuần nhuyễn với thông sử, linh hoạt chép thêm nhân vật, chế độ, văn kiện quan trọng, làm giàu thêm dung lượng ghi chép, tạo nên sức nặng cho bộ sách.

Bộ sử Tư trị thông giám chính là toàn bộ tâm huyết của cuộc đời Tư Mã Quang. Ông cùng với những cộng sự của mình là Lưu Thứ, Lưu Ban, Phạm Tổ Vũ và con trai ông, Tư Mã Khang, đã phải dốc sức 19 năm để hoàn thành.

Năm Nguyên Phong thứ bảy (1084), bộ sử đã hoàn thành, với sự hao tổn tâm trí sức lực lớn. Lưu Thứ đã ôm bệnh mà chết khi sách soạn còn dang dở, Lưu Bân khi ấy 62 tuổi, đã già nua như lão già 80, Phạm Tổ Vũ mới 43 tuổi mà sức khỏe cạn kiệt. Bản thân Tư Mã Quang cũng kiệt quệ. Ông đã mất trước một tháng khi sách được khắc ấn bản.

Bài viết có tham khảo tư liệu trong sách Tế thuyết Tống triều. Tác giả: Ngu Vân Quốc. Dịch giả: Cao Tự Thanh.

Thủy Nguyệt

Bạn có thể quan tâm