Sáng 27/12, Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo thông tin về quả ngư lôi huấn luyện được ngư dân tìm thấy trên biển Phú Yên ngày 18/12.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) cho biết quả ngư lôi được phát hiện là ngư lôi phục vụ cho nhiệm vụ bắn tập của nước ngoài. Theo ông Đức, vật thể ngoài khơi xa, ở vùng biển quốc tế trôi dạt vào biển các nước là bình thường.
Bộ đội Biên phòng Phú Yên kiểm tra "vật thể lạ" trên bờ biển huyện Tuy An. Ảnh: V. Thanh. |
Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết ngư lôi bắn tập khác hoàn toàn ngư lôi chiến đấu về chất liệu, màu sắc. Trang bị phục vụ luyện tập chỉ là mô hình, khác với vũ khí thật.
Trước đó, sáng 18/12, trong lúc đánh bắt cá gần bờ, ngư dân Trần Minh Thanh (40 tuổi, ngụ thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An) phát hiện trong lưới mắc "vật thể lạ".Vị trí phát hiện "vật thể lạ" cách bờ biển khoảng 4 hải lý.
Anh Thanh đã đưa vật thể lạ vào khu vực cù lao Mái Nhà, cách bờ biển Phước Đồng hơn 1,2 hải lý, neo vật thể này lại, sau đó trình báo cơ quan chức năng.
Bộ đội Biên phòng Phú Yên đã tiếp nhận quả ngư lôi này và bàn giao cho Vùng 4 Hải quân.
Theo các chuyên gia Quân sự, ngư lôi là một loại đạn tự di chuyển trong nước. Ngư lôi là đạn chính của tàu ngầm tấn công và tàu phóng lôi, ngoài ra còn có thể được bắn từ tàu nổi và máy bay.
Ngư lôi thuộc nhóm đạn tự hành có thể có điều khiển hoặc không, được bắn từ ống phóng lôi, phổ biến nhất là bắn bằng năng lượng khí nén, hoặc được phóng không cần ống, như ở máy bay hay thủy lôi.
Ngư lôi ngày nay có hình trụ rất dài, có máy tự đẩy và mang theo đầu đạn chứa nhiều thuốc nổ. Ngư lôi mang đầu đạn từ vài chục, vài trăm kg đến nhiều tấn, có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường. Ngư lôi cũng được dùng như một thành phần của vũ khí khác.
Các tên lửa phóng từ tàu ngầm dùng ngư lôi đẩy lên mặt nước trước khi phóng. Các tên lửa chống ngầm mang đến khu vực có mục tiêu một phao nổi và ngư lôi nối với nhau bởi dây dẫn, qua đó điều khiển được ngư lôi.