Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Bỏ phố về quê

Đại gia đình 8 người gồm trẻ sơ sinh và bà bầu dắt díu nhau chạy xe máy từ Đồng Nai về quê khi dịch bớt căng thẳng. Quãng đường hơn 300 km mưa lâm râm và gió lạnh.

BỎ PHỐ VỀ QUÊ

Đại gia đình 8 người gồm trẻ sơ sinh và bà bầu dắt díu nhau chạy xe máy từ Đồng Nai về quê khi dịch bớt căng thẳng. Quãng đường hơn 300 km mưa lâm râm và gió lạnh.

“Dừng lại đi, con bé lại khóc rồi”, Neang Soc Ny nói lớn.

Giữa cơn mưa nặng hạt trên quốc lộ 1, cả đoàn dừng lại dưới một mái hiên. Người phụ nữ trẻ cởi vội chiếc áo mưa, ngồi xổm xuống dỗ đứa bé mới hơn 2 tháng tuổi. Đứa trẻ khóc lớn rồi trớ ra toàn sữa.

Đây là lần thứ 5 cả đoàn dừng lại để dỗ những đứa trẻ sau nhiều giờ di chuyển bằng xe máy. Phía trước họ vẫn là hành trình hàng trăm cây số để về quê.

Nguoi dan do ve que sau dich Covid-19 anh 1

Hành trình hơn 300 km về quê của 4 đứa trẻ và bà bầu

“Xong chưa anh?”, Neang Soc Ny (22 tuổi) hỏi chồng rồi vội vã chất đống đồ đạc lên xe máy. Đứa bé 2 tháng tuổi trên tay Soc Ny đã bú no sữa, mở to đôi mắt tỉnh bơ nhìn bố mẹ.

Hôm nay, gia đình nhỏ quyết định rời phòng trọ tại khu công nghiệp Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) để trở về quê ở huyện Tịnh Biên, An Giang.

Nhiều anh chị em, bà con người Khơ-me của Soc Ny cũng từ quê kéo nhau lên kiếm việc làm ở Đồng Nai. Có người mới lên được vài tháng, cũng có người đã đi cả chục năm.

Một tuần sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, đại gia đình gồm 8 người lớn, 4 đứa trẻ và một bà bầu bồng bế nhau lên xe máy về quê. Quãng đường từ phòng trọ đến nhà là hơn 300 km.

Nguoi dan do ve que sau dich Covid-19 anh 2

Soc Ny mới sinh em bé được một tháng thì Đồng Nai bùng phát dịch, cả hai vợ chồng đều mất việc vì công ty ngừng hoạt động.

Đôi vợ chồng trẻ mong chờ đến ngày hết dịch để quay trở làm việc, thế nhưng chờ mãi công ty vẫn không liên lạc. Tiền ăn uống, tã bỉm cho con gái mới 2 tháng tuổi cứ dần cạn kiệt. Không còn cách nào khác, gia đình quyết định về quê để cậy nhờ bố mẹ, họ hàng.

Vừa đến huyện Châu Thành (Tiền Giang) thì cơn mưa lớn ập xuống. Cả đoàn phải dừng lại nghỉ tạm dưới mái hiên ven đường.

Mưa to và gió thốc vào mặt, đứa trẻ khóc ré lên. Người phụ nữ nép người vào trong tránh mưa, vội vã cho con bú. Tiếng những đứa trẻ khóc xen lẫn tiếng mưa xối xả trên mái tôn ven đường quốc lộ.

Nguoi dan do ve que sau dich Covid-19 anh 8

Tiếp tục hành trình, trên đoạn đường từ tỉnh Đồng Tháp hướng về TP Cần Thơ, dòng người về quê vẫn nối đuôi nhau.

Càng về khuya, trời miền Tây càng lạnh, gió từ sông Hậu thổi ngược từng cơn. Nhiều người ghé lại bên đường buộc mấy chiếc dây ràng đồ đạc cho chắc chắn. Họ mặc cả áo mưa để giữ ấm, dù trời quang tạnh từ lâu.

Nguoi dan do ve que sau dich Covid-19 anh 11

Dọc các quốc lộ chạy qua các tỉnh miền Tây, đoàn người nối đuôi nhau về quê.

“Chị bế giúp em với!”

Soc Ny đưa con gái nhỏ nhờ chị họ bế. Cánh tay cô lúc này tê cứng vì ôm con suốt nhiều giờ. Cứ như vậy, Soc Ny và chị họ Rinh Đa thay nhau bế đứa trẻ trên tay suốt quãng đường về An Giang.

Lục lọi đống hành lý sau xe, chồng Soc Ny lôi ra túi sữa bột. Cả hai lấy nước nóng trong chiếc bình giữ nhiệt để pha sữa cho con. Đứa trẻ không bú, khóc liên tục. Con gái 1 tuổi của chị Rinh Đa vớ lấy bình sữa, uống ngon lành.

Nguoi dan do ve que sau dich Covid-19 anh 12

Hơn 1h sáng, cả đoàn dừng chân ven cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (TP Cần Thơ) sau hơn 10 phút ì ạch vượt cầu Vàm Cống. Chiếc xe cũ nóng bình sau hàng giờ nổ máy, kêu lèo xèo.

Chị Neang Kim Sach đứng dựa vào lan can bên lề đường, thở dốc vì quãng đường xóc nảy trên xe, dù người chồng đã cố chạy chậm. Chiếc bụng bầu 8 tháng rưỡi vượt mặt khiến chị đau mỏi.

Nguoi dan do ve que sau dich Covid-19 anh 15

Sau 30 phút, đoàn chị Soc Ny đến chốt kiểm soát ở Ngã ba Lộ Tẻ (TP Cần Thơ). Tại đây, hàng chục người khác ngồi la liệt, nằm ngủ ngay bên vệ đường.

Là người sõi tiếng Kinh nhất trong đoàn, thấy trên bàn đầy ắp cơm hộp, bánh canh, chị Rinh Đa tới xin vài phần. Mấy đứa trẻ tỉnh bơ, ăn ngấu nghiến chiếc bánh mì nguội.

"Bà con nghỉ ngơi, ăn uống. Chờ một lúc nữa chúng tôi sẽ có xe dẫn đoàn, đưa bà con tập trung tại Đại học An Giang. Ai ở huyện nào thì chính quyền huyện đó sẽ đến đưa bà con về", một chiến sĩ CSGT phát loa.

Nghe tới đây, Soc Ny bật khóc. Chị trải chiếc áo mưa, khăn bông và một lớp áo xuống nền đất, đặt đứa trẻ nằm xuống. Bên cạnh, chị Kim Sach khệ nệ ôm bụng bầu, nằm bệt bên cạnh.

Nguoi dan do ve que sau dich Covid-19 anh 18
Nguoi dan do ve que sau dich Covid-19 anh 21

Hơn 2h sáng, tiếng còi hú của xe CSGT vang lên. Đại gia đình Soc Ny, Rinh Đa, Kim Sach hòa vào dòng người đồng hương. Quãng đường về nhà chỉ còn vài giờ đồng hồ.

Cầm cự

"Có hỗ trợ kìa!"

Hàng chục người trong khu trọ kéo nhau ra đầu ngõ để nhận sữa, gạo của mạnh thường quân. Chỉ vài phút, toàn bộ số thực phẩm hết veo. Nhiều người lật đật chạy ra muộn, thất vọng nhìn đoàn xe rời đi.

Khu nhà trọ tại đường số 2, Khu Công nghiệp Sóng Thần 1 (TP Dĩ An, Bình Dương) bị phong tỏa suốt 2 tháng có 40 người mắc Covid-19. Sau khi dỡ chốt, nhiều hộ gia đình khăn gói đồ đạc để về quê. Cũng có người cố gắng cầm cự, hy vọng có thể đi làm trở lại.

Nguoi dan do ve que sau dich Covid-19 anh 22

Người dân khu nhà trọ tại đường số 2, Khu Công nghiệp Sóng Thần 1 (TP Dĩ An, Bình Dương), tập trung đứng nhận đồ trợ cấp.

Ngồi ngoài cửa nhà, anh Nguyễn Văn Nhớ (37 tuổi) trầm ngâm nhìn hai cậu con trai đang chơi đùa. Đã hơn 2 tháng, hai cậu bé không được ra ngoài, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong căn phòng trọ chừng 10 m2.

"Tôi định về quê nhưng có thông báo tiêm vaccine mũi 2 nên chờ thêm 1-2 ngày, xong xuôi rồi cũng về", anh Nhớ nói.

Đầu năm nay, gia đình anh Nhớ từ Kiên Giang bồng bế nhau lên Bình Dương. Vợ làm trong công ty, anh Nhớ đi phụ hồ. Được vài tháng thì dịch tới, vợ chồng anh cùng thất nghiệp.

"Hàng xóm đôi khi cho cá mắm thêm thắt để hai đứa nhỏ ăn, mình người lớn ăn gì cũng được", anh Nhớ trầm tư.

Nguoi dan do ve que sau dich Covid-19 anh 25

Chị Thạch Thị Hồng (vợ anh Nhớ) cho hai cậu con trai ăn cháo trước, vợ chồng nấu mì tôm ăn sau.

Khu "siêu phòng trọ" này với hơn 100 phòng san sát nhau. Lối vào tối om, phía trên chằng chịt quần áo, không có khoảng hở nào cho ánh sáng mặt trời len vào. Ban ngày cũng như ban đêm, trong nhà phải mở điện để thắp sáng.

Nguoi dan do ve que sau dich Covid-19 anh 26
Nguoi dan do ve que sau dich Covid-19 anh 27

Khu "siêu phòng trọ" với hơn 100 phòng diện tích chật hẹp, hàng trăm người cư trú.

Trong căn phòng nằm ở cuối dãy nhà trọ, bà Huỳnh Thị Ngọc (49 tuổi) đã sống tại đây ngót nghét 7 năm. Con gái lấy chồng xa, vợ chồng bà nương tựa nhau bằng nghề bán vé số dạo.

Hơn 2 tháng dịch hoành hành, vợ chồng bà Ngọc hầu như chỉ ăn mỳ tôm qua ngày. Con gái thỉnh thoảng đem xuống biếu ba mẹ thùng mỳ tôm.

"Ở quê còn ai nữa đâu mà về, cố ở lại đây được ngày nào hay ngày đó", bà Ngọc rưng rưng.

Nguoi dan do ve que sau dich Covid-19 anh 28

Bà Ngọc đứng nép bên cửa, lặng đi khi chia sẻ về những ngày tháng kham khổ giữa đại dịch ở Bình Dương.

"Xong tập này thôi, không xem nữa nhé", anh Nguyễn Văn Út (32 tuổi) cốc đầu con trai nhỏ. Hai đứa trẻ (8 tuổi và 2 tuổi) vươn vai ưỡn ẹo sau nhiều giờ nằm xem hoạt hình.

Từ ngày đội phụ hồ giải tán, nhà hết gạo, anh Út bấm bụng mang chiếc xe cà tàng đến tiệm cầm đồ.

"Tôi sợ mất xe nên tháng rồi đóng trước 800.000 đồng xin họ giữ lại. Cố gắng bám lại đây, không về quê để qua dịch đi làm, chuộc lại xe", anh Út buồn rầu nói.

Nguoi dan do ve que sau dich Covid-19 anh 29

Phòng trọ khoảng 10 m2 với chiều rộng chỉ đủ để gia đình anh Nhớ kê một chiếc đệm, phía trên treo đầy quần áo.

Chị Võ Thị Hồng Loan (vợ anh Út) cũng nghỉ làm nhưng may mắn mỗi tháng được công ty hỗ trợ 2 triệu. Số tiền anh Út cầm xe 4 triệu, cả nhà xoay xở mua sữa cho con, chi tiêu cầm chừng. Bữa cơm thịt, cá với 2 đứa trẻ nhiều tháng qua trở thành thứ xa xỉ.

"Đứa lớn lớp 3 nhưng học online, khó khăn quá nên nghỉ học. Cũng có mấy đợt tôi mất việc nhưng lần này khó khăn trăm bề, đi vay cũng không ai cho mượn, còn tiền nhà thì mấy tháng qua chưa đóng", anh Út kể.

"Cố cầm cự đến Tết, rồi cả nhà về quê. Ở dưới quê không tiền cũng có rau, cá mắm sống qua ngày", chị Loan ngồi rửa chén, bàn bạc với chồng.

Nguoi dan do ve que sau dich Covid-19 anh 32

Dù trải qua đủ khó khăn để nuôi nấng 2 đứa nhỏ, chưa bao giờ người đàn ông miền Tây thấm thía cảnh nhớ quê, "ở không xong, đi không đành" như hiện tại.

Theo báo cáo sơ bộ từ ngày 1/10 đến nay, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã ghi nhận hàng trăm nghìn người trở về quê. Trong hội nghị tiếp xúc cử tri tại TP.HCM chiều 11/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết dòng người đi xe máy, trong đó có trẻ em, về quê là hình ảnh rất đau xót.

"Trong đó có một phần trách nhiệm của chúng ta", Chủ tịch nước nói.

Duy Hiệu - Quỳnh Danh

Bạn có thể quan tâm