Sau khi Tuổi Trẻ ngày 16/1 đăng phỏng vấn ông Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương - với tựa đề “Nhà lãnh đạo phải trong sạch và đổi mới”, nhiều bạn đọc đề nghị làm rõ thêm một số nội dung liên quan.
Ông Vũ Ngọc Hoàng cho biết:
- Tại Hội nghị Trung ương 14, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và bỏ phiếu đề cử bổ sung hai đồng chí ủy viên Trung ương khóa XI thuộc trường hợp “đặc biệt” giới thiệu tái cử khóa XII;
Một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XII. Đồng thời bỏ phiếu giới thiệu bốn đồng chí để Trung ương khóa XII xem xét phân công ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XII với số phiếu rất tập trung.
Ông Vũ Ngọc Hoàng . |
Đối với bốn chức danh lãnh đạo chủ chốt, mỗi chức danh (Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội) được Hội nghị Trung ương 14 bỏ phiếu hai lần.
Lần đầu là do Trung ương giới thiệu nhiều phương án, có những trường hợp xin rút. Bộ Chính trị không quyết định việc cho rút mà do Trung ương quyết định. Trung ương quyết định bằng phiếu kín, bỏ phiếu “chốt” danh sách để đồng ý cho rút hay không cho rút đối với các trường hợp xin rút.
Vòng hai là bỏ phiếu chính thức đối với nhân sự cụ thể của từng chức danh. Cả hai vòng này số phiếu đều rất tập trung và thể hiện ý chí của Trung ương và Bộ Chính trị là thống nhất.
Đối với phương án một trường hợp “đặc biệt” là ủy viên Bộ Chính trị khóa XI được giới thiệu lại để tham gia khóa XII, trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư thống nhất rất cao (có 19/19 ý kiến giới thiệu).
Các đồng chí lãnh đạo (các chức danh chủ chốt) của Đảng và Nhà nước đã bàn thảo với nhau nhiều lần và đi đến thống nhất như phương án Bộ Chính trị đã đề xuất với Trung ương.
Tất cả phương án nhân sự nêu trên là sự chuẩn bị và giới thiệu của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI để Đại hội XII và Ban Chấp hành Trung ương khóa XII xem xét quyết định cuối cùng. Các phương án được chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ; vừa thể hiện tính kế thừa, vừa đảm bảo trẻ hóa.
Đối với câu hỏi: Liệu quy chế bầu cử do Trung ương ban hành có hạn chế quyền ứng cử, đề cử tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII hay không? Câu trả lời là “không”.
Tại đại hội thì thực hiện theo quy chế bầu cử do đại hội thông qua. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc.
Đại hội mới là cơ quan có quyền quyết định cao nhất các vấn đề của Đảng, trong đó có nhân sự. Còn tất nhiên Trung ương có nhiệm vụ tham mưu cho đại hội xem xét.
Trong đợt đại hội các địa phương vừa qua, Trung ương có ban hành quy chế, trong đó có tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy cũ đối với quyết nghị về nhân sự của tập thể cấp ủy (do bản thân anh đã tham gia bàn), chứ không phải quy định cho các đồng chí mới tham gia lần đầu.
Quy định đó cũng có mặt khách quan là cấp ủy viên cũ đã tham gia bàn để ra quyết nghị, với ý thức trách nhiệm và cả lòng tự trọng nữa, cần có trách nhiệm với quyết nghị chung của tập thể.
Tất nhiên, về mặt khoa học xây dựng tổ chức thì vấn đề này nhiệm kỳ sau cũng nên có nghiên cứu thêm, nhằm phát huy dân chủ tối đa và bảo đảm quyền bảo lưu ý kiến của các cấp ủy viên khi họ không thống nhất với tập thể thì có quyền thể hiện công khai trong tổ chức ấy hoặc với cấp cao hơn, kể cả vấn đề nhân sự trực tiếp liên quan đến cá nhân mình.
Đó là nói đối với trường hợp cá nhân ấy có ý kiến khác với tập thể, còn trong trường hợp anh đã thống nhất với tập thể ấy rồi thì còn gì phải nói đâu, chẳng lẽ trong sinh hoạt tập thể anh nói khác, ra ngoài anh nói khác?
Tính trung thực đâu cho phép như vậy! Nó còn là nhân cách nữa, sự lành mạnh của một tổ chức nữa.
Về ý kiến đề nghị tôi nói thêm về đổi mới? Đây là một câu chuyện dài và hay nhưng chỉ xin nói vắn tắt vài ý. Phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và căn bản.
Kinh tế đã có đổi mới nhiều nhất nhưng cũng mới nửa đường, phải đi tiếp, theo hướng kinh tế thị trường hoàn thiện, đến cùng, học kinh nghiệm của các nước phát triển để làm.
Về bản chất thì theo tôi kinh tế thị trường trong chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản không khác nhau, nó đều phải là kinh tế thị trường, nó phải là nó, chỉ có điều trình độ phát triển thì chủ nghĩa xã hội phải hơn, trước khi hơn thì phải bằng người ta đã.
Rồi không chỉ đổi mới kinh tế, mà còn phải đổi mới đồng bộ về mặt văn hóa và chính trị nữa, trong đó có vấn đề cải cách giáo dục, phát triển năng lực người học, xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực hiện tự chủ đại học và tự do học thuật; có vấn đề kiểm soát quyền lực và thực thi dân chủ rộng rãi trong lĩnh vực chính trị.
Đặc biệt gần đây, kể cả ở các hội nghị Trung ương, người lãnh đạo cao nhất, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã nhấn mạnh phải “vững bước tiến lên trên con đường đổi mới” và ông lưu ý phải “kiểm soát quyền lực”. Ông đúng! Rất đúng. Tôi rất mong nước ta như vậy.