Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bỏ phân nhóm áp thuế TTĐB đối với ôtô dưới 1.000 cm3

Bộ Tài chính chính thức trình Thủ tướng trong đó có việc đề nghị bỏ phân nhóm áp thuế TTĐB đối với loại xe có dung tích xilanh từ 1.000 cm3 trở xuống.

Một vấn đề trong dự thảo Luật đang được dư luận khá quan tâm là thuế suất thuế TTĐB đối với ôtô dưới 24 chỗ. Đóng góp vào nội dung này, đại đa số đại biểu tán thành lộ trình điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với dòng xe từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xilanh trên 2.000 cm3 trở lên và các dòng xe khác dưới 24 chỗ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị không chia loại xe có dung tích xilanh từ 1.500 cm3 trở xuống thành các nhóm có dung tích xilanh nhỏ hơn (1.000 cm3), không giảm thuế suất thuế TTĐB sâu (giảm xuống mức 20% là quá thấp) vì khuyến khích xe nhập khẩu, dễ dẫn đến nhập siêu tiêu dùng, ảnh hưởng nhất định đến sản xuất ôtô trong nước, công ăn việc làm của người lao động trong ngành công nghiệp ôtô.

Tại phiên họp Ủy ban Tài chính ngân sách mở rộng ngày 14/11, cơ quan này cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lộ trình giảm thấp hơn so với mức giảm tại dự thảo như chỉ giảm 5% mỗi lần.

Giải trình thêm về những nội dung trên, Bộ Tài chính cho biết: Tại dự thảo Luật, cơ quan này đề xuất phân nhóm đối với dòng xe ưu tiên phát triển (có dung tích xilanh nhỏ, sử dụng ít nhiên liệu, phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng) nhằm thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Việc phân nhóm đối với dòng dung tích xilanh là từ 1.000 cm3 trở xuống cũng phù hợp với quy định của một số nước như Malaysia, Lào.

Tuy nhiên, qua thống kê sơ bộ 9 tháng đầu năm 2015 của cơ quan Hải quan, Thuế, số lượng xe có dung tích xilanh từ 1.000 cm3 trở xuống nhập khẩu khoảng 8.650 chiếc, chiếm khoảng 89% tổng lượng xe này tiêu thụ trên thị trường, xe sản xuất trong nước khoảng 1.100 chiếc chiếm tỷ trọng 11%.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vì vậy, để hạn chế rủi ro xe sản xuất lắp ráp trong nước (phổ biến có dung tích xi lanh từ trên 1.000 cm3) chịu tác động kép trước xe nhập khẩu do cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% theo các hiệp định thương mại tự do, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho tiếp thu, bỏ phân nhóm đối với loại xe có dung tích xilanh từ 1.000 cm3 trở xuống.

Theo đó, điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với loại xe này như loại xe có dung tích xi lanh từ trên 1.000 cm3 đến 1.500 cm3 như sau: Loại có dung tích từ 1.500 cm3 trở xuống áp dụng thuế suất 40% từ 1/7/2016 (giảm 5%) và 35% từ 1/1/2018; Loại có dung tích trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 áp dụng thuế suất 40% từ ngày 1/1/2018 (giảm 5%); Loại có dung tích trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 áp dụng thuế suất 55% từ 1/7/2016 (tăng 5%) và 60% từ 1/1/2018.

Trước đó, trong dự thảo chính thức trình Quốc hội, Chính phủ đưa ra lộ trình thuế TTĐB đối với dòng xe dung tích nhỏ như sau: Từ 1/7/2016, thuế suất đối với loại xe đến 1.500 cm3 trở xuống giảm 5% so với hiện hành còn 40%.

Từ 1/1/2018, thuế suất đối với loại xe dưới 1.000 cm3 giảm còn 30%; loại từ 1.000 cm3 đến 1.500 cm3 trở xuống còn 35%; loại trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 giảm 5% còn 40%.

 Từ 1/1/2019, thuế suất đối với loại xe dưới 1.000 cm3 giảm còn 20%; loại từ 1.000 cm3 đến 1.500 cm3 trở xuống còn 25%; loại trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 còn 30%;  loại trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 tăng lên 60%.

Đánh giá về tác động của việc điều chỉnh thuế TTĐB đối với ôtô, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho hay: Việc này sẽ có phạm vi tác động sâu, rộng tới kinh tế - xã hội thông qua việc khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư lớn, công nghệ hiện đại đến đầu tư tại Việt Nam, tạo sức lan tỏa cao đối với nền kinh tế; góp phần tạo việc làm, đào tạo và phát triển lao động chất lượng cao, tạo điều kiện để lực lượng lao động của Việt Nam được tiếp cận và áp dụng các tiến bộ về khoa học, công nghệ hiện đại, học hỏi kỹ năng quản lý; nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Việc Chính phủ đề xuất giảm sâu thuế suất thuế TTĐB đối với các dòng xe dưới 1.000 cm3 nhằm tạo điều kiện cho người dân có thu nhập trung bình và trung bình khá có thể tiếp cận với ôtô dễ dàng hơn, từ đó tăng sức mua đối với loại xe này.

“Tới năm 2019, thuế nhập khẩu giảm kéo theo giá tính thuế TTĐB giảm, thuế TTĐB giảm, từ đó thuế giá trị gia tăng cũng giảm theo. Điều này sẽ giúp cho giá dòng xe này giảm khoảng 42% so với hiện nay.”, ông Thi tính toán.

Nhìn nhận từ phía Nhà nước, giá giảm, dung lượng thị trường tăng, với việc thu hút thêm đầu tư, quy mô ngân sách cũng sẽ tăng. Như vậy, việc điều chỉnh thuế suất cũng như lộ trình thuế TTĐB đối với xe ôtô sẽ có tác động tích cực toàn diện.

Giảm thuế, mua ôtô nhiều sẽ tác động ngược?

Chiều 13/11, thảo luận về việc sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) bức xúc và không đồng tình với chủ trương xoá thuế cho DNNN.

http://www.baohaiquan.vn/pages/bo-phan-nhom-ap-thue-ttdb-doi-voi-o-to-duoi-1-000cm3.aspx

Theo H.Vân/Hải Quan

Bạn có thể quan tâm