Bộ Nội vụ cho biết hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định chung về khái niệm thế nào là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Vì thế, trong một cơ quan, tổ chức, muốn xác định người đứng đầu là ai phải căn cứ quy định tại các văn bản pháp luật khác nhau.
Về người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập, Bộ Nội vụ cho biết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định 99 không quy định địa vị pháp lý và chỉ rõ ai là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập giữa chủ tịch hội đồng và hiệu trưởng của cơ sở giáo dục đại học công lập.
Do đó, việc xác định người đứng đầu phải được căn cứ theo quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy và các văn bản pháp luật có liên quan quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Từ những căn cứ này và trên cơ sở quy định của Luật số 34, Bộ Nội vụ cho rằng hiệu trưởng sẽ là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập.
Lễ công bố quyết định công nhận Hội đồng trường, chủ tịch Hội đồng trường tại ĐH Thương mại. Ảnh: VietNamNet. |
Lý do là hiệu trưởng là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học; người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Hiệu trưởng là người tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế, hoạt động khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quyết định của Hội đồng trường, Hội đồng đại học.
Đây cũng là người chịu chế độ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong điều hành hoạt động đơn vị, trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong thực hiện dân chủ trong hoạt động của đơn vị, trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo…).
Bên cạnh đó, hiệu trưởng là thành viên đương nhiên trong Hội đồng trường. Còn nếu Chủ tịch Hội đồng trường là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ không phù hợp. Lý do được Bộ Nội vụ đưa ra Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan.
Chủ tịch Hội đồng trường do Hội đồng trường bầu trong số các thành viên của Hội đồng trường theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín; trong đó có thể thành viên ngoài trường đại học trúng cử chủ tịch Hội đồng trường, nếu trúng cử mới chuyển thành viên chức cơ hữu của trường đại học công lập.
Hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; quyết định của Hội đồng trường được thể hiện bằng hình thức nghị quyết. Như vậy, hoạt động của Hội đồng trường theo cơ chế tập thể, không phải theo nguyên tắc thủ trưởng lãnh đạo.
Nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch Hội đồng trường chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường; chỉ đạo tổ chức và chủ trì các cuộc họp hội đồng trường; ký văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng trường; thực hiện nhiệm vụ của thành viên Hội đồng trường.
Ngoài ra, Luật 34 không có điều khoản nào quy định chủ tịch Hội đồng trường là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; người đại diện theo pháp luật, chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học; là người tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản;…
Xử lý kỷ luật đối với các chức danh của Hội đồng trường, hiệu trưởng
Bộ Nội vụ cho rằng đối với viên chức của trường đại học công lập giữ chức danh chủ tịch Hội đồng trường, thành viên Hội đồng trường, thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với các chức danh này là Bộ trưởng vì Bộ trưởng là người ra quyết định công nhận chủ tịch Hội đồng trường, các thành viên của Hội đồng trường.
Đối với các thành viên Hội đồng trường nằm ngoài trường đại học, nếu vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bộ trưởng không có thẩm quyền xử lý kỷ luật, do họ không phải là viên chức của trường đại học công lập thuộc bộ, không thuộc thẩm quyền quản lý của bộ.
Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng các quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật, nhất là đối với thành viên Hội đồng trường là thành viên ngoài trường đại học, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với các trường hợp này khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ là thành viên của Hội đồng trường nếu có vi phạm.
Đối với viên chức là hiệu trưởng, Bộ Nội vụ cho rằng Bộ GD&ĐT cần phải có hướng dẫn và làm rõ về trình tự, thủ tục quyết định Hiệu trưởng theo cơ bầu hay cơ chế bổ nhiệm để có đủ căn cứ, cơ sở để xác định thẩm quyền khi xem xét, xử lý kỷ luật đối với hiệu trưởng.
Nếu không rõ về trình tự, thủ tục quyết định hiệu trưởng theo cơ chế bầu hay cơ chế bổ nhiệm, theo Bộ Nội vụ, sẽ dẫn tới các tình huống sau trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, nếu hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định theo cơ chế bầu, bộ trưởng có thẩm quyền xử lý kỷ luật.
"Nhưng nếu hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định theo cơ chế bổ nhiệm thì Hội đồng trường có đủ thẩm quyền xử lý kỷ luật hay không? Vì Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên lợi ích liên quan. Hiệu trưởng lại được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận theo quy định của Luật số 34", Bộ Nội vụ lưu ý.
Ngoài các tình huống nêu trên, Bộ Nội vụ cũng đề nghị Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu để có hướng dẫn việc thực hiện kỷ luật trong trường hợp cơ sở giáo dục đại học công lập chưa thực hiện việc kiện toàn Hội đồng trường theo quy định của Luật số 34 và Nghị định 99.
Theo đó, thẩm quyền xem xét xử lý lỷ luật đối với hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập trong trường hợp này thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của người đứng đầu cơ quan bổ nhiệm hiệu trưởng.