Cụ thể, trong văn bản gửi đi, Bộ Nội Vụ nêu rõ Bộ sẽ tổ chức kiểm tra Vinastas, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn 10298 ngày 29/11 của Văn phòng Chính phủ về việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố chất lượng nước mắm.
Do đó, Bộ đề nghị các đơn vị khác, trong đó có Bộ Công Thương, Tư pháp cử một công chức lãnh đạo cấp Vụ tham gia đoàn kiểm tra.
Trước đó, ngày 17/10, Vinastas công bố kết quả khảo sát 150 mẫu nước mắm của 88 thương hiệu trên toàn quốc. Theo kết quả này, 101/150 mẫu, tức 67% mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu asen (thạch tín).
Các mẫu có độ đạm càng cao, tỷ lệ các mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng. 95% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên có hàm lượng asen vượt ngưỡng quy định.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: Công Khanh. |
Tuy nhiên, chiều tối ngày 22/10, Bộ Y tế công bố kết quả kiểm tra chất lượng nước mắm theo chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, 100% các mẫu nước mắm an toàn vì không có asen vô cơ vượt ngưỡng.
Ngày 26/10, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết Bộ đang xem xét để phối hợp với Bộ Công an điều tra cũng như có thể ra văn bản yêu cầu đình chỉ hoạt động của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) trong một thời gian. Động thái này liên quan đến việc Vinastas công bố kết quả khảo sát nước mắm chứa asen vượt ngưỡng cho phép.
Theo ông Tuấn, việc công bố chất lượng sản phẩm đều có các cơ quan Nhà nước. Chẳng hạn như Bộ Khoa học và Công nghệ có Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đều có cơ quan kiểm tra và công bố, kể cả xuất xứ hàng hóa...
Vinastas được thành lập để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chứ không phải công bố chất lượng các sản phẩm người tiêu dùng sử dụng. Việc công bố không đúng chức năng, gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội, hoạt động kinh doanh, gây thiệt hại trong lĩnh vực kinh doanh ngành nghề.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng Vinastas phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về phát ngôn của mình.
“Chúng tôi thấy đã đủ điều kiện để Bộ Nội vụ ban hành quyết định tạm dừng hoạt động của hội này, để cơ quan thẩm quyền xác minh lại các hoạt động vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến môi trường sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại nhiều hộ gia đình, tổ chức kinh tế”, ông Tuấn khẳng định.
Đến ngày 24/11, Vinastas đã có công văn cáo lỗi về việc thông tin kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc chưa thận trọng, chính xác. Tuy nhiên, các hiệp hội nước mắm truyền thống cho rằng Vinastas chưa thật sự thấy lỗi quan trọng nhất của mình đó là: nhân danh Hội bảo vệ người tiêu dùng tiếp tay cho một doanh nghiệp để làm hại cho những doanh nghiệp khác.
Do đó, 5 hiệp hội trên kiến nghị Thủ tướng làm rõ đơn vị đứng sau để công ty T&A Ogilvy tài trợ cho Vinastas, dẫn đến sự cố nước "mắm truyền thống nhiễm asen".
Đồng thời, các hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Công Thương yêu cầu Vinastas xin lỗi trực tiếp, công khai với báo chí trước đại diện các nhà sản xuất nước mắm truyền thống.
Diễn biến mới nhất, cách đây 2 ngày, Vinastas này phát đi thông tin xin cải chính một số thông tin về kết quả khảo sát nước mắm tại thông cáo báo chí phát đi ngày 17/10, do ông Vương Ngọc Tuấn (Phó tổng thư ký Vinastas) ký và bài viết “Gần 85% mẫu nước mắm của 88 doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn” được đăng trên website của Vinastas ngày 18/10.
"Vinastas nhận thấy trong thông cáo báo chí nhóm khảo sát đã sai khi đồng nhất khái niệm asen với thạch tín. Ngoài ra, đề cập đến asen tổng mà không nói rõ về khái niệm này nên chúng tôi xin nói lại cho rõ hơn là asen tổng bao gồm asen vô cơ và asen hữu cơ, trong đó chỉ có asen vô cơ có độc tính", thông cáo cho biết.