Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan với Tổ công tác 970 và lãnh đạo Sở NNPTNT các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản chiều 17/8, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, thông tin tính đến nay, lúa Hè Thu đã thu hoạch 820.000 ha; năng suất đạt 56,7 tạ/ha; sản lượng hơn 4,6 triệu tấn.
Diện tích lúa Hè Thu còn lại chưa thu hoạch là 690.000 ha đang ở giai đoạn trổ đòng và chín, ước cả vụ sản lượng 8,6 triệu tấn. Ông Tùng cho biết tình hình tiêu thụ lúa gạo có khá hơn do các địa phương và doanh nghiệp tích cực tháo gỡ, đẩy mạnh hơn công tác thu mua.
Khó khăn trong khâu vận chuyển lúa gạo
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NNPTNT An Giang, cho biết giá lúa tuần qua sau khi lên 200-500 đồng/kg tùy giống thì đầu tuần này đã chững lại, có giống lại giảm 100-200 đồng/kg.
Lượng doanh nghiệp vào thu mua lúa vẫn chưa đủ dù UBND tỉnh đã gửi nhiều văn bản đến doanh nghiệp. "Lượng doanh nghiệp vào thu mua lúa đã giảm 50% so với cùng kỳ vụ Hè Thu năm trước. Đây là tình trạng khá khó khăn”, ông Lâm nói.
Tỉnh cũng phải đối mặt với khó khăn trong khâu vận chuyển. Doanh nghiệp thu mua ở nhiều tỉnh khác nhau, phải di chuyển khắp các tỉnh ĐBSCL nên cần sự thống nhất cho toàn bộ 19 tỉnh phía Nam đang giãn cách theo Chỉ thị 16. Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh An Giang đề xuất Bộ NNPTNT có chiến lược để liên kết tiêu thụ trong toàn vùng ĐBSCL chứ không riêng lẻ một vài địa phương.
Trước đó, Bộ Công Thương cho rằng cần xem xét ưu tiên phân "luồng xanh" cho vận chuyển lúa gạo bằng đường sông. Ảnh: Việt Tường. |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó giám đốc Sở NNPTNT Cần Thơ, cũng tập trung kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, thu mua lúa gạo. Hiện nay, tỉnh còn 64.000 tấn lúa, 217.000 tấn gạo tồn trong kho của các doanh nghiệp xuất khẩu.
“Thủ tục mỗi tỉnh mỗi khác, kiến nghị Bộ NNPTNT có ý kiến với Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn các tỉnh cấp giấy cho lưu thông đường sông giống như xe tải trên đường bộ; các tỉnh cũng phải ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ thu hoạch lúa gạo trong chuỗi”, ông Nhơn nêu vấn đề.
Trước khó khăn trong khâu vận chuyển, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 (Tổ công tác phía Nam), nhấn mạnh các địa phương cần tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp vào thu mua lúa gạo.
“Không đổi thành tích xuất khẩu lấy rủi ro cho nông dân”
Về kết nối tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết hiện nay, mỗi ngày Tổ công tác 970 kết nối tiêu thụ khoảng 500 tấn nông sản. Đầu tháng 9, tổ công tác sẽ tiếp tục hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, tiếp tục thí điểm mô hình sàn giao dịch nông sản vừa sản xuất, vừa tiêu thụ. Việc kết nối này sẽ kéo dài suốt năm.
“Dịch bệnh diễn biến khôn lường có thể đứt đoạn việc thu hoạch tại từng thôn, ấp nhỏ nhưng không có chuyện lúa đến kỳ không có người thu hoạch. Lúa trên đồng chưa thu hoạch là do chưa có người mua. Chỉ 2 tuần vừa qua khi liên ngành nông nghiệp - công thương vào cuộc diện tích thu hoạch lúa Hè Thu đã tăng từ hơn 600.000 ha lên 820.000 ha. Như vậy, chỉ cần có đầu ra thì về cơ bản vẫn thu hoạch được”, Thứ trưởng Nam nói.
Theo ông, các Sở NNPTNT các tỉnh ĐBSCL nên thành lập Tổ điều hành thị trường nông sản ở các địa phương để phối hợp với Bộ NNPTNT, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần phải tư duy kinh tế nông nghiệp ngay lúc này. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chia sẻ với những khó khăn của các tỉnh ĐBSCL, Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng các địa phương cần chủ động nắm bắt thông tin hàng ngày thì liên kết mới hiệu quả, ví dụ giá nông sản (trong đó có giá lúa) phải báo cáo cố định vào giờ cụ thể, sau đó sẽ tập hợp cơ sở dữ liệu thành một cổng thông tin về giá nông sản khu vực.
Từ đó, Bộ NNPTNT và các doanh nghiệp sẽ cùng tham gia phân tích, dự báo được sản lượng, thị trường và giá cả. Theo Bộ trưởng, đây cũng chính là thời điểm các tỉnh ĐBSCL phải có tư duy sâu sắc về làm kinh tế nông nghiệp chứ không phải là sản xuất nông nghiệp đơn thuần.
“Giá lúa gạo mà xuống quá thấp thì chúng ta cũng phải tính phương án giảm diện tích để thay vào các cây trồng khác cho hiệu quả. Không thể đổi thành tích sản lượng xuất khẩu lấy sự rủi ro cho nông dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Về việc tạo kết nối cung cầu và đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử, Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương tập trung xây dựng mã số vùng trồng và áp dụng các hệ thống sản xuất VietGap, GlobalGap để có thể kết nối với sàn thương mại hiệu quả.