Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bỏ nghề giáo, làm giàu bằng nấm bào ngư, linh chi

Lương giáo viên không đủ để trang trải cuộc sống, ông Phan Thừa Nghĩa, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ quyết định nghỉ việc, về quê mở xưởng nấm linh chi, bào ngư.

30 năm gắn bó với nghề trồng nấm

Ông Nghĩa gốc giáo viên, nhưng sau đó lại chuyển sang làm kinh tế vì lương nghề giáo viên không thể nuôi nổi gia đình. Chính vì lẽ đó, đầu năm 1975 ông ra Đà Lạt xin vào làm cho công ty chuyên xuất khẩu nấm bào ngư sang Pháp. Mỗi năm, đơn vị này trồng và xuất trên 400 tấn nấm. Được ít lâu, ông có trong tay kiến thức về cách trồng nấm bào ngư và một số vốn dành dụm được, ông có ý định làm kinh tế từ chính loại nấm này.

Năm 1984, ông Nghĩa quay về Long Khánh, rồi xuống Hóc Môn thuê đất để tìm mặt bằng sản xuất với quy mô lớn. Khi đó, thị trường tiêu thụ rất mạnh các loại nấm này, giá cả lại ổn định. Mỗi năm, trừ chi phí, ông Nghĩa thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Sau thời gian đi đây đó, ông thấy vùng đất ở Miền Tây rất có tìm năng phát triển về thị trường sản xuất nấm bào ngư, đồng thời thời tiết cũng rất thích hợp cho cây nấm bào ngư và giá mua mặt bằng cũng rẻ hơn các nơi khác, nên quyết định đầu tư.

Bên trong cơ sở trồng nấm bào ngư, linh chi của ông Nghĩa.  Ảnh: Ngọc Trinh.

Để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế, năm 1999, ông quyết định về Cần Thơ đầu tư cả tỷ đồng mua 1 ha đất ở Phước Thới để mở rộng diện tích sản xuất và tăng cường các hoạt động kinh doanh mà từ lâu ông đã ấp ủ, giờ mới thực hiện được. 

Năng động và tinh thần dám nghĩ dám làm, đặc biệt là vốn kiến thức khoa học đã tiếp thu được từ lúc còn ở Đại học chuyên ngành địa lý, ông đã mạnh dạn đầu tư các thiết bị kỹ thuật, xây dựng nhà trại và tuyển chọn lao động để phát triển sản xuất. Một trong những thành công lớn nhất của ông là sản xuất ra  bịch phôi đạt chất lượng cao, được khách hàng tin tưởng.

Từ kết quả đó, năm 2007, ông đã đứng ra thành lập công ty, có trụ sở ở phường Phước Thới, quận Ô Môn chuyên sản xuất và nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu, chủ yếu là nấm bào ngư nhật, nấm linh chi và nấm mèo theo công nghiệp nấm sạch.           

Ngoài bán nấm thành phẩm, ông Nghĩa còn cung cấp cả meo nấm bào ngư và linh chị. Ảnh: Ngọc Trinh.

Hiệu quả từ quy trình khép kín

Hiện nay, công ty ông vừa cung cấp bịch phôi đã xử lý cấy meo, vừa sản xuất nấm thương phẩm cho các đầu mối lái ở các chợ lớn ở miền Tây. Mặt hàng chủ lực vẫn là bịch phôi cung cấp cho người trồng nấm ở khắp các tỉnh miền Tây.

Nói về kinh nghiệm trồng nấm bào ngư, ông Nghĩa cho biết, thay vì làm kệ, giàn hoặc treo nấm lơ lửng trên trần nhà, ông dùng 2 cây tre song song dài 1,4 m kẹp bịch meo ở giữa rồi cắm xuống đất. Làm cách này, số lượng bịch nấm có thể trồng được tối đa lên tới 5.000, thay vì mức 3.000 - 4.000 như cách làm cũ. Mỗi ngày, người trồng phải tưới nước từ 3 đến 4 lần, bằng hệ thống tưới tự động phun sương mỗi lần tưới kéo dài từ 8-10 phút/lần. Một nguyên tắc đối với trồng nấm là phải luôn giữ nhiệt độ ẩm trong khoảng 17 - 20%.   

Thu hoạch nấm bào ngư.  Ảnh: Ngọc Trinh.

Bình quân mỗi năm, ông Nghĩa trồng 2 - 3 đợt nấm. Mỗi ngày, cơ sở của ông cung cấp cho thị trường từ 500 đến 600 kg nấm tươi. Mức giá phổ biến hiện nay là 25.000 -30.000 đồng/kg, có tháng hút hàng giá lên trên 35.000 đồng/kg song cơ sở vẫn không đủ sản lượng giao cho khách hàng. Ngoài bán nấm thành phẩm, trung bình mỗi tháng ông giao cho khách hàng khoảng 100.000  bịch phôi giống bào ngư và nấm linh chi.

Ông Nghĩa khẳng định trồng nấm bào ngư hoặc linh chi không khó, cũng không vất vả như trồng nấm rơm. Ai cũng có thể thành công với điều kiện phải nắm vững quy trình kỹ thuật vì sự tăng trưởng và quá trình phát triển của nấm có liên quan đến nhiều yếu tố như nhiệt độ, ẩm độ, pH, ánh sáng, oxy… Do đó, điều kiện đầu tiên là trại phải đúng tiêu chuẩn về kích thước và độ ẩm. Kế đến là cách sắp xếp các bịch phôi nấm sao cho vững vàng, không bị ngã đổ, nhất là  khâu phun nước phải bảo đảm mỗi ngày 4 - 5 lần ( nếu có hệ thống phun tự động càng tối ưu).

Về kỹ thuật sản xuất phôi cũng đòi hỏi phải hết sức nghiêm ngặt, bảo đảm  sạch vì chúng rất nhạy cảm với môi trường, nhất là hóa chất và thuốc trừ sâu. Ngay cả chất độn như mùn cưa cũng phải lấy từ Bình Dương vì chỉ có mùn từ gỗ cao su mới đạt yêu cầu. Để bảo đảm chất lượng và năng suất cao, ông Nghĩa thường xuyên thay đổi giống để tránh nấm thoái hóa. Mới đây, ông vừa nhập từ Mỹ về 6 loại nấm bào ngư và linh chi, trong đó giống King Oyster, ELM Oyster, Blue Oyster, Thick Oyster, Reish Oyster và King Oyster được coi là tốt nhất hiện nay.

 

Bỏ nghề cơ khí, về nuôi 'hàng độc'

Là thợ cơ khí lành nghề với lương khá cao, nhưng anh Võ Lợi ở Phú Bài (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) lại bỏ nghề để mở trang trại nuôi chim trĩ, gà Đông Tảo và bồ câu Pháp.

Ngọc Trinh

Bạn có thể quan tâm