Từ việc trồng sương sáo trúng mùa, trúng giá của một số hộ bán cho thương lái Trung Quốc các năm trước, năm 2014 này,
nhiều nông dân ở các xã Hiệp Hưng, Long Thạnh... huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) rủ nhau phá mía chuyển sang trồng sương sáo, với diện tích hàng chục ha.
Ông Đặng Văn Triều, ở ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp đã mở rộng diện tích từ 3 công lên 15 công để trồng sương sáo. "Năm 2013, tôi trồng 3 công sương sáo, sản lượng đạt 2 tấn/công, giá bán từ 25.000 – 33.000 đồng/kg cho thương lái Trung Quốc, tôi thu lãi gần 150 triệu đồng. Lợi nhuận từ 3 công sương sáo hơn cả khi làm 12 công mía cộng lại không bằng, nên năm nay tiếp tục mở rộng diện tích, ai ngờ chỉ trong một tháng mà giá lại rớt thảm hại như hiện nay", ông Triều cho hay.
Ông Triều bên ruộng sương sáo sắp đến ngày thu hoạch nhưng không biết bán cho ai. |
Cùng suy nghĩ với ông Triều và nhiều hộ nông dân khác, anh Lê Văn Định ở ấp Long Trường 3, xã Long Thạnh cũng cho biết, mấy mươi năm làm mía không có lãi, thấy bà con trồng sương sáo lãi cao, năm nay anh quyết định bỏ mía, chuyển hết 7 công mía sang sương sáo. Đến thời điểm này ruộng sương sáo đang phát triển xanh tốt. Tính ra 7 công đất trên anh đã đổ trên 300 triệu đầu tư, nhưng bất thình lình giá sương sáo rớt thảm hại, chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg, lại không ai mua.
Theo nhiều nông dân trồng sương sáo, thực tế đầu ra của loại cây này ít, không ổn định. Ông Nguyễn Trung Thới, Tổ trưởng tổ Kỹ thuật xã Hiệp Hưng cho biết, tổng diện tích trồng sương sáo của xã là 37 ha, và vẫn tiếp tục tăng nhanh. Song hiện đầu ra rất khó, thậm chí đến giờ nông dân không biết bán cho ai, vì vẫn chưa có công ty, chủ vựa nào đặt hàng thu mua như các năm trước. Cũng theo ông Thới, trước Tết có thương lái đến đặt mua sương sáo với số lượng lớn, nhưng không có hợp đồng, song người dân vẫn tự phát phá mía trồng loại cây này.