Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bố mẹ xin được chết mà con cái không cho'

“Luật phải có sự giải thích, cũng cần có quy định cho mềm mại để điều chỉnh tất cả các quan hệ và thực hiện quyền của các cá nhân”, PGS.TS Lê Quý Đức nói.

Đề xuất cho phép thực hiện “cái chết êm ái” trong Dự thảo Luật Dân số của Bộ Y tế đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Đây là một hình thức trợ tử (hỗ trợ bệnh nhân được chết) đã được áp dụng tại một số quốc gia trên thế giới như Hà Lan, Bỉ, Mỹ, Argentina, Hàn Quốc.

Việc thực hiện “quyền được chết” này phải đảm bảo những điều kiện chặt chẽ và có kết luận của hội đồng y khoa. Trao đổi với PV, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) tỏ ra rất tán thành với đề xuất trên.

- Thưa ông, đã có một số nước ban hành “quyền được chết” trong một số đạo luật như Luật Chết, Luật Điều trị vô ích. Là một người nghiên cứu văn hóa, xã hội, ông có đồng tình với việc thực hiện quyền này ở Việt Nam?

PGS.TS Lê Quý Đức.

- Tôi ủng hộ việc ra luật cho người ta có quyền chọn cái chết cho mình. Với những người ốm đau, bị bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y thậm chí những người già yếu không có người nuôi dưỡng mà họ cảm thấy họ muốn được chết thì nên để họ có quyền lựa chọn “cái kết” cho mình… Đó mới chính là nhân văn, còn cứ giữ người ta trong lúc người ta sống không bằng chết thì còn khổ hơn nữa. Con người ta có quyền được chọn cái chết khi người ta không muốn sống nữa.

Đôi khi đi tập thể dục, tôi gặp những người già 80-90 tuổi, dù lành lặn và có tri thức đàng hoàng họ vẫn tâm sự, sống đến 90 tuổi là đã cảm thấy mệt mỏi lắm vì chơi không chơi được, ăn không ăn được, sống chỉ làm khổ con cháu. Hay như những người bị bệnh ung thư, phải trải qua những ngày tháng cuối đời vô cùng đau đớn, họ chọn cái chết chính là nhân đạo cho chính họ và đỡ khổ cho con cháu. Thế nên tôi ủng hộ điều này.

- Có ý kiến phản đối cho rằng đề xuất này đi ngược lại truyền thống, phá vỡ tính ổn định xã hội, cổ súy cho cái chết, coi thường sự sống… Quan điểm của ông ra sao?

- Tất nhiên cũng sẽ có những người phản đối và họ cũng có cái lý của họ. Ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc… cũng đã thi hành luật này. Con người được quyền lựa chọn cái chết cho mình. Đó là nhân văn, nhân ái với từng cá nhân và cộng đồng, chứ không có gì gọi là thay đổi cấu trúc đời sống xã hội cả.

Tâm lý của người Việt Nam là còn nước còn tát, con cái không nỡ lòng nào mà để cha mẹ có quyết định như thế. Tuy nhiên, quyền được chết ban cho cá nhân chứ không phải ban cho cộng đồng hay một nhóm gia đình. Nếu như cảm thấy cha mẹ còn nước, còn tát, theo đuổi chữa trị mà có hi vọng thì chăm sóc cha mẹ đó là đạo hiếu rồi. Còn trong trường hợp, bố mẹ muốn được chết để chấm dứt sự đau đớn mà con cái không cho chết thì luật cũng phải xem xét. Bố mẹ thì thường nghĩ rằng, thôi mình già rồi thì chết cho con cái đỡ vất vả. Còn con cái với tâm lý làm tròn chữ hiếu, phụng dưỡng bố mẹ đến hơi thở cuối cùng nên chắc chắn sẽ không cho cha mẹ lựa chọn như vậy. Ở điểm này, luật phải có sự giải thích, cũng cần có quy định cho mềm mại để điều chỉnh tất cả các quan hệ và thực hiện quyền của các cá nhân.

Đề xuất cho phép thực hiện “cái chết êm ái”đang thu hút sự quan tâm của dư luận (ảnh minh họa).

Tuy nhiên theo tôi, không được lợi dụng điểm này mà bắt người ta “chết” theo kiểu bức tử. Không dung túng cho con cháu có hành vi bất hiếu, cha mẹ, ông bà đang sống mà lại nói họ hãy lựa chọn cái chết đi. Quyền được chết phải do chính cá nhân đó quyết định và có sự giám sát chặt chẽ của hội đồng y khoa.

- Ông dự đoán thế nào về phản ứng xã hội trước đề xuất này?

- Đây là một điểm mới ở nước ta và đương nhiên xã hội sẽ có những phản ứng trái chiều xung quanh đề xuất mới này. Xã hội còn nhiều điều phải điều chỉnh nhưng khi tiếp thu ý kiến nó dần dần sẽ hoàn thành và thích ứng với người dân thôi. Trước đây, chúng ta đã từng phản ứng rất gay gắt với việc hỏa thiêu người đã khuất song sau đó nó cũng trở thành bình thường.

Nhiều ông bà cũng muốn khi chết chỉ thiêu một lần cho xong để con cháu không phải cải mả, mất vệ sinh mà lại vất vả. Mới đây, người ta còn rộ lên trào lưu đem tro cốt sang Thụy Sĩ để cô nó lại thành kim cương về thờ hoặc làm đồ trang sức đeo trên người để thể hiện sự gắn bó với người đã khuất. Những việc làm này đều là những cái mới trong đời sống xã hội. Cái mới đó nếu không vi phạm đến quyền con người, không vi phạm đến tự do của người khác thì không sao cả.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

 

Ngọc Thanh

Bạn có thể quan tâm