Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng vụ việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, đã đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp điều tra làm rõ nguồn gốc số xăng nêu trên, cũng như phương thức thủ đoạn của các nghi phạm.
Có sự móc ngoặc để trộm xăng?
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, tối 4/3, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hưng Yên phối hợp Công an tỉnh này đã tổ chức đeo bám xe xitec từ khu vực kho của một công ty quân đội ở thị trấn Bần (Hưng Yên) đến trạm soát vé Phố Nối (Hưng Yên) thì yêu cầu dừng xe kiểm tra.
Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện xe bồn này vận chuyển hơn 8.000 lít xăng không có hoá đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Ngay sau đó, tổ công tác đã lập biên bản, yêu cầu tài xế đưa xe về trụ sở để phục vụ điều tra… Làm việc với cơ quan chức năng, tài xế và chủ hàng khai nhận mua số xăng trên từ một người dân không rõ tên tuổi, địa chỉ mang về bán kiếm lời.
Chiếc
xe xitec vận chuyển xăng lậu. |
Kết quả trưng cầu giám định mẫu xăng trên của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng – Bộ Khoa học Công nghệ cho thấy: trị số ốc tan (kích nổ động cơ) và hàm lượng chì trong số chất lỏng, nghi là xăng này không phù hợp với mức yêu cầu đối với các quy định về kỹ thuật của xăng không chì tại QCVN 1:2015/BKHCN (không xác định được trị số octan của mẫu, không có hiện tượng kích nổ khi dẫn nhiên liệu vào buồng đốt).
Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, đây là vụ việc nghiệm trọng, lần đầu trong kiểm nghiệm xăng dầu mà máy móc, công nghệ của cơ quan đo lường chất lượng không kiểm tra được. Chất lỏng nói trên không phải là xăng dầu thông thường, rất có thể là xăng đặc chủng của máy bay mà họ đã lấy trộm rồi tuồn ra thị trường tiêu thụ.
Yêu cầu điều tra làm rõ vụ việc
Cũng theo Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trước thời điểm vụ vận chuyển xăng lậu bị phát giác, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã thông báo cho Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên về việc có nguồn tin tố giác cho biết có hành vi móc ngoặc để trộm xăng máy bay tại khu vực K 165 quân đội, tại thị trấn Bần. Các nghi phạm lấy loại xăng này dùng để pha trộn với loại xăng kém chất lượng rồi đưa ra thị trường tiêu thụ…
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận hồ sơ ban đầu từ Công an tỉnh Hưng Yên, các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên đã thống nhất xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu theo Điều 17 của Nghị định số 185/2013/NĐ – CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ban hành năm 2015 của Chính phủ).
Đáng chú ý, sau khi nghe báo cáo kết quả xử lý vụ việc và tham khảo hồ sơ ban đầu, cơ quan chức năng cho rằng Cục QLTT tỉnh Hưng Yên chỉ căn cứ vào lời khai của lái xe mà không xác minh làm rõ thời gian, địa điểm, nguồn gốc hàng, người bán, phương thức, thủ đoạn bơm xăng, thanh toán, cũng như chưa phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ nguồn gốc vụ việc, có hay không sự câu kết, móc ngoặc để trộm xăng như nguồn tin tố cáo… cho thấy chưa có tinh thần kiên quyết đấu tranh với tội phạm, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Theo đó, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương này, phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh làm rõ cũng như xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo tin từ Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, cơ quan này cũng đã đề xuất thành lập tổ công tác để phối hợp với các lực lượng chức năng của Trung ương và tỉnh Hưng Yên để điều tra, xác minh vụ việc.