Trong mảnh sân rộng 100 m2, hơn 300 chuồng gà được xếp chồng thành 3 hàng, để chừa lại lối đi khá nhỏ. Chủ nhân trang trại này là anh Nguyễn Quang Nam, 31 tuổi, một tay chơi gà cảnh có tiếng ở Hà Nội.
Số gà gần 500 con anh Nam đang sở hữu đều là giống tre cảnh, có xuất xứ Tân Châu (An Giang). Cách đây 10 năm, anh Nam bắt tay vào lai tạo số gà này từ một cặp bố mẹ.
Anh Nam từ chối sang đi học làm quản lý để ở nhà chăn gà cảnh. Ảnh: Ngọc Lan. |
Bỏ cơ hội thăng tiến về chăn gà
Năm 2010, với vị trí trưởng phòng một công ty công nghệ thông tin, anh Nam được trả lương 13 triệu đồng một tháng cùng các chế độ và thưởng định kỳ. Đây là mức tương đối cao đối với người làm công việc kỹ sư phần mềm cách đây 5 năm. Anh cho hay, danh sách công ty đề cử nhân viên sang Australia học khóa học CEO đã chốt tên anh. Thế nhưng, vì không nỡ rời xa thú vui nuôi gà tre cảnh, anh từ bỏ, bỏ việc, ở nhà thỏa mãn đam mê.
Anh Phạm Tiến Vượng, Giám đốc công ty anh Nam từng làm việc chia sẻ: “Tôi khá bất ngờ và nuối tiếc khi Nam từ chối cơ hội sang Australia học và xin nghỉ việc. Song, tôi luôn ủng hộ khi cậu ấy dám sống và theo đuổi với đam mê”.
Thời điểm đó, quyết định xin nghỉ việc đột ngột của anh gặp sự phản đối của gia đình. Anh cho hay, vì quyết định này, anh bị bố mẹ giận suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, vợ anh lại ủng hộ chồng. Nhờ vậy, anh bắt đầu với việc nuôi 10 con gà cảnh tại góc khuất xưởng gỗ của gia đình ở Đê La Thành.
Tiêu chuẩn một con gà cảnh đẹp là mắt sáng, mặt đẹp, màu sắc hài hòa và có bộ đuôi dài thướt tha. Ảnh: Ngọc Lan. |
Qua bàn tay anh Nam chăm sóc, đàn gà đạt số lượng 50 con. Tuy nhiên, tiếng gà gáy khiến cho hàng xóm phản ứng, yêu cầu anh phải di dời chuồng. Khi chuyển đàn gà sang một xưởng gỗ nhỏ của người thân ở phố Nguyễn Hoàng Tôn, anh Nam vẫn gặp phải sự phản đối kịch liệt của những người sống xung quanh.
Mới nghỉ việc, chưa sẵn tiền trong tay, có nhà lại không ở được nên anh Nam cùng vợ và 2 con nhỏ thuê một căn nhà cấp 4 ở ngoại thành, khu ven đê sông Hồng (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Tại đây, đất rộng, nhà thưa, tiếng gà gáy vang lên mỗi sớm mà không làm ai bị ảnh hưởng.
Kiếm tiền từ đam mê
Sau 3 năm gây giống, từ 50 con, số gà tre cảnh nhân lên gần 500 con. Nhờ sự hiểu biết sẵn có về công nghệ thông tin, anh đã quảng bá và giới thiệu giống gà Tân Châu ra khắp tỉnh thành và được rất nhiều người biết đến.
Việc xuất bán hiện tại tương đối dễ dàng vì thú chơi các loại chim, gà cảnh ngày một phổ biến. Mỗi tháng, trang trại xuất hàng trăm con. Trung bình gà con 2-3 tháng, anh Nam rao giá 200.000-400.000 đồng một con. Gà trưởng thành giá dao động 1-5 triệu đồng, thậm chí lên đến cả chục triệu đồng. Số tiền thu về mỗi tháng, theo anh Nam, cũng gấp 7-8 lần so với lương tại cơ quan cũ.
Anh Nam cho hay, cân nặng của mỗi con gà trưởng thành chỉ 700 gam đến 1,1 kg. Chi phí thức ăn cho gần 500 con gà lớn nhỏ hết khoảng 300.000-400.000 đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi chăm giống gà tre Tân Châu là sự khác biệt về môi trường, khí hậu giữa miền Nam và miền Bắc.
Trang trại gà tre cảnh của anh Nam ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Lan. |
Bí kíp của anh Nam là thường xuyên tìm những con gà đẹp về lông hình và phom dáng, sau đó cho phối với nhau. Bên cạnh đó, người nuôi phải kết hợp nuôi dưỡng và chăm sóc, tạo nên con giống đẹp, có giá trị. Tiêu chuẩn của gà đẹp là có màu sắc sặc sỡ bắt mắt, mặt nhỏ gọn, nhanh nhẹn, bộ lông mềm mại, đuôi mã kéo dài và cân đối.
Năm 2014, anh Nam bán được một con cho khách ở Hà Nội với giá 50 triệu đồng. Tuy nhiên, để có được gà đẹp, anh phải chăm chút rất kỹ lưỡng. Để nâng cao hiểu biết trong cách chăm gà, anh Nam thường xuyên tham gia các câu lạc bộ, đưa gà tham gia hội thi và đã dành được nhiều giải thưởng có giá trị.