Bỏ hơn 1,5 triệu USD để mời Nick Vujicic vì điều gì?
Cũng giống như Vua đầu bếp của Mỹ - Christine Hà, Nick Vujicic được mời đến Việt Nam không phải vì anh là người khuyết tật mà ở tài năng và một câu chuyện truyền cảm hứng bất tận.
Nick Vujicic sinh năm 1982 ở thành phố Brisbane (miền bắc nước Úc) trong một gia đình gốc Serbian. Chẳng may anh mắc hội chứng tetra-amelia, tức không có chân tay. Nhưng với nỗ lực phi thường, anh đã tốt nghiệp cử nhân về kế toán và tài chính từ Đại học Griffith University. Ngay từ tuổi 19, anh đã có ý định trở thành một nhà thuyết trình truyền cảm hứng và chia sẻ chứng từ cá nhân của anh về Thượng đế có thể thay đổi cuộc đời.
Anh là người tin vào Thượng đế và tin rằng mỗi cuộc đấu tranh trong cuộc sống đều có một mục đích. Anh quả quyết rằng thái độ của chúng ta trước những cuộc đấu tranh đó, cùng với niềm tin vào Thượng đế, là những chìa khóa để vượt qua những trở ngại và thách thức trong cuộc sống. Do đó, không ngẫu nhiên khi Wikipedia mô tả Nick Vujicic như một người truyền giáo.
Một điều thú vị là Nick Vujicic nổi tiếng ở Việt Nam hơn là quê hương của anh (Úc). Tôi ở Úc đã hơn 32 năm mà chưa nghe đến tên anh ấy. Nhiều bạn tôi cũng chưa bao giờ biết đến tên anh ấy như là một public speaker - nhà diễn thuyết. Điều này có lẽ không ngạc nhiên, vì năm 2007 Nick Vujicic đã chuyển sang định cư ở California (Mỹ) và lập Công ty Life Without Limbs (Cuộc đời không có tay chân). Từ đó, anh chu du khắp thế giới để chia sẻ câu chuyện đời của anh và truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên, nhà giáo, doanh nhân và nhà thờ. Anh đứng ngang hàng với những người chuyên nói chuyện truyền cảm hứng như giám mục Desmond Tutu, Richard Branson... Dù anh được biết đến ở nhiều nơi, nhưng ở Úc thì ít người biết đến tên của anh.
Tôi chỉ nghe đến tên anh khi về Việt Nam tuần vừa qua. Hôm tôi ghé Nhà xuất bản Tổng Hợp, chị giám đốc hỏi tôi có nghe đến Nick Vujicic bên Úc và tôi trả lời là chưa. Chị giám đốc cho biết báo chí Việt Nam đang lên “cơn sốt” về anh ấy. Một tập đoàn Việt Nam chi 31,7 tỷ đồng (tức hơn 1,5 triệu USD) để mời anh ấy đến Việt Nam thuyết trình. Hết sức ấn tượng! Con số này làm không ít người kinh ngạc.
Người khuyết tật dễ được sự cảm thông của công chúng và câu chuyện của họ dễ làm chúng ta rung động. Nhưng cảm tính là một chuyện, còn lý trí và tài năng là một chuyện khác. Còn nhớ trong cuộc tranh tài MasterChef ở Mỹ, có một ứng viên gốc Việt là Christine Hà chiếm giải nhất. Chị chẳng may bị bệnh và mù. Đáng chú ý trong phần chấm thi là tuyên bố của một người trong ban giám khảo nói với Christine rằng ban giám khảo sẽ chấm giải dựa trên chất lượng món ăn do chị nấu, chứ không thiên vị cho người khuyết tật. Con số 31,7 tỷ đồng dành cho chuyến thuyết trình của Nick Vujicic là rất cao, nhưng chắc không phải vì anh là người khuyết tật.
Tôi băn khoăn, không biết có bao nhiêu người được nghe và hiểu những gì anh ấy nói? Có bao nhiêu trẻ em dị tật bẩm sinh như anh ấy ở Việt Nam có thể cảm nhận những trải nghiệm của anh ấy khi mà môi trường sống ở Việt Nam rất, rất khác so với những nơi anh sống? Những đứa trẻ bán vé số hay đang ăn xin ngoài đường chắc chẳng bao giờ nghe được, hay có nghe được chưa chắc đã hiểu những câu nói mang tính triết lý cuộc đời của anh.
Cách đây bốn tuần, Viện Nghiên cứu y khoa Garvan của chúng tôi có mời một nhà khoa học từng được trao giải Nobel đến giảng và “truyền lửa”. Ông được trả tiền vé máy bay nhưng không có thù lao. Tuy nhiên, một số tổ chức khác ở Úc nhân dịp mời ông nói chuyện để truyền cảm hứng và thù lao cũng chỉ ở mức độ tượng trưng (cao lắm là 2.000 USD). Theo tôi biết, chưa một siêu sao khoa học nào được trả thù lao lên đến 10.000 USD cho những buổi nói chuyện.
Những người “truyền lửa” có cái hay là họ có thể làm cho chúng ta hào hứng và tự tin hơn. Nhưng sau những giây phút hào hứng, nồng nhiệt, vỗ tay, chúng ta lại phải trở về thực tại và đối đầu với thực tế. Thực tế có khi không giống với những ví von, không đồng nghĩa với những danh từ hoa mỹ, không phù hợp với những lời khuyên giống như hiền triết. Chẳng hạn như nghe câu “cuộc đời của bạn ngày hôm nay phần lớn là biểu hiện của những trải nghiệm của bạn trong quá khứ”, hay “hãy nhận dạng, quản lý và làm chủ niềm tin của bạn; đó là di truyền, là lựa chọn của bạn” thoạt đầu nghe qua cũng hay hay, nhưng nếu chịu khó suy nghĩ cẩn thận, phân tích kỹ và đặt vào bối cảnh thì có khi đó chỉ là những câu nói bồng bềnh, trơn tru. Nói theo Dostoievski là chúng ta tự làm chủ và chịu trách nhiệm cho những việc mình làm, chứ chẳng có thế lực siêu hình nào hoán biến chúng ta từ nghèo thành giàu (hay ngược lại) được.
Theo Tuổi Trẻ