Doanh nhân Vivek Ramwswamy (trái) và tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Bloomberg. |
Guardian cho biết mặc dù tên là Bộ Hiệu quả Chính phủ, đây không phải là một cơ quan chính thức của chính phủ Mỹ. Trong tuyên bố, Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết ông Musk và Ramaswamy sẽ làm việc bên ngoài chính phủ, cung cấp cho Nhà Trắng "lời khuyên và hướng dẫn", đồng thời hợp tác với Văn phòng Quản lý và Ngân sách "thúc đẩy cải cách cơ cấu quy mô lớn và tạo cách tiếp cận trong kinh doanh chưa từng có với chính phủ".
“(Dự án) sẽ gây chấn động toàn hệ thống (chính phủ) và bất cứ ai gây lãng phí cho chính phủ, tức là rất nhiều người”, tuyên bố từ ông Trump trích dẫn lời ông Musk, gọi sáng kiến mới “có khả năng là ‘Dự án Manhattan’ của thời đại chúng ta”, ám chỉ đến kế hoạch của Mỹ chế tạo bom nguyên tử trong Thế chiến II.
Ông Trump khẳng định bộ đôi này “sẽ mở đường cho chính quyền mới xóa bỏ bộ máy quan liêu, giảm quy định không cần thiết, cắt chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang”.
Tổng thống đắc cử cho biết công việc của hai doanh nhân này sẽ kết thúc vào ngày 4/7/2026. Ông Trump khẳng định một chính phủ gọn và hoạt động hiệu quả hơn sẽ “món quà” cho nước Mỹ nhân dịp kỷ niệm 250 năm ký Tuyên ngôn Độc lập.
AP đưa tin Bộ Hiệu quả Chính phủ có thể nằm trong Đạo luật Ủy ban Cố vấn Liên bang Mỹ, quy định cách các nhóm bên ngoài tư vấn cho chính phủ phải hoạt động và chịu trách nhiệm trước công chúng.
Nhân viên liên bang thường được yêu cầu kê khai tài sản và các mối quan hệ tài chính, đồng thời phải thoái vốn hoặc chuyển tài sản vào quỹ ủy thác. Do ông Musk và Ramaswamy không phải là nhân viên liên bang chính thức, họ sẽ không phải đối mặt với những yêu cầu hoặc hạn chế này.
“Món quà” cho những doanh nhân ủng hộ
Ông Trump khẳng định cơ quan này sẽ “kiểm toán tài chính và hiệu suất của toàn bộ chính phủ liên bang, đồng thời đưa ra các khuyến nghị cải cách mạnh mẽ".
“Nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng một kế hoạch hành động, loại bỏ hoàn toàn gian lận và các khoản thanh toán sai phạm trong vòng 6 tháng. Điều này sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ USD”, CNN dẫn lời ông Trump nói hồi tháng 9.
Trong một video đăng trên X hai ngày sau cuộc bầu cử, ông Trump cho biết sẽ “ngay lập tức tái ban hành lệnh hành pháp năm 2020, khôi phục thẩm quyền loại bỏ các quan chức sai phạm của tổng thống”.
Những đợt bổ nhiệm nhân sự này là “món quà” ông Trump dành tặng cho hai người đã ủng hộ ông đến từ khu vực tư nhân. Ông Musk là người đứng đầu công ty ôtô điện Tesla, nền tảng X và tập đoàn SpaceX, trong khi ông Ramaswamy là doanh nhân công nghệ sinh học, dừng chiến dịch tranh cử tổng thống hồi tháng 1 và quay sang ủng hộ ông Trump.
Tỷ phú Elon Musk và ông Trump trên sân khấu vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania hôm 5/10. Ảnh: Reuters. |
Ông Musk đã quyên góp hàng triệu USD ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 của ông Trump và có lần xuất hiện trong buổi vận động cùng tổng thống đắc cử. Ông Trump tuyên bố sẽ trao cho người giàu nhất thế giới một chức vụ giúp chính quyền mới thúc đẩy hoạt động hiệu quả, nhưng nói rõ ông Musk khả năng cao sẽ không nắm giữ vị trí toàn thời gian.
“Tôi nghĩ mình không thể giao phó chức vụ cần đi làm toàn thời gian, vì ông ấy hơi bận rộn phóng tên lửa và nhiều việc khác”, ông Trump phát biểu tại buổi vận động ở Michigan hồi tháng 9. “Ông ấy nói sự lãng phí tại đất nước này thật điên rồ. Và chúng ta sẽ đưa Elon Musk thành người giúp chúng ta cắt giảm chi phí”.
Có kinh nghiệm cắt giảm chi phí trong lĩnh vực doanh nghiệp
Từ lâu, ông Musk đã thúc đẩy bộ phận này và liên tục nói về nó. Bộ phận mới - viết tắt tiếng Anh là DOGE - trùng với tên loại tiền điện tử Dogecoin ông Musk quảng bá và một meme (ảnh chế) lan truyền trên Internet.
Theo CNN, ông Musk đã đưa ra hệ thống đánh giá đe dọa sa thải nhân viên gây lãng phí và đề xuất cung cấp gói trợ cấp thôi việc hậu hĩnh cho những viên chức chính phủ bị sa thải.
Ông chủ Tesla từng tuyên bố có thể giúp chính phủ tiết kiệm được 2.000 tỷ USD - gần 1/3 tổng chi tiêu hàng năm. Song trên thực tế, một số chuyên gia nhận định việc cắt giảm chi phí có thể dẫn tới bãi bỏ quy định và thay đổi chính sách, tác động trực tiếp tới các công ty của ông Musk.
Ông Musk là người có nhiều kinh nghiệm trong cắt giảm chi tiêu công ty, nên cam kết sẽ cắt giảm biên chế liên bang theo cách tương tự. Ông từng sa thải 80% nhân sự tại X khi mua lại công ty này vào năm 2022, khẳng định động thái này đã ngăn được khoản thâm hụt 3 tỷ USD. Song công ty sau đó đối mặt với một số khó khăn, như doanh thu giảm mạnh.
Tuy nhiên, với tư cách CEO SpaceX, ông tạo dựng danh tiếng khi phóng tên lửa với chi phí rẻ hơn so với đối thủ cạnh tranh bằng cách đàm phán với nhà cung cấp và duy trì hoạt động tinh gọn.
Vị tỷ phú cũng có cái nhìn thực tế về kịch bản sau khi đề xuất cắt giảm, thừa nhận động thái này “tất yếu sẽ gây ra một số khó khăn tạm thời”.
Trong khi đó, hồi đầu tuần, ông Ramaswamy nói với ABC News rằng mình thảo luận về các vị trí trong nội các của ông Trump.
Mặc dù không có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ, vị doanh nhân này đã thúc đẩy cắt giảm chi phí trong lĩnh vực doanh nghiệp. Ví dụ, sau khi có đủ cổ phần trong công ty truyền thông trực tuyến Buzzfeed, hồi tháng 5, ông thúc giục công ty cắt giảm nhân sự và thuê các nhà bình luận bảo thủ như Tucker Carlson.
Ông Ramaswamy đưa chủ đề cắt giảm lãng phí trong chi tiêu chính phủ trở thành nền tảng chính sách quan trọng trong chiến dịch tranh cử trước đó. Ông từng cam kết sẽ loại bỏ FBI, Bộ Giáo dục và Ủy ban quản lý hạt nhân, đồng nghĩa sẽ sa thải hàng nghìn nhân viên liên bang trong quá trình này. Vị doanh nhân đã công bố một báo cáo phác thảo khuôn khổ pháp lý cho phép tổng thống loại bỏ các cơ quan liên bang ông đã nhắm tới.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.