Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa vừa có văn bản gửi Thủ tướng giải trình một số thông tin liên quan đến kết luận thanh tra dự án BOT mở rộng QL 1 đoạn phía Nam tỉnh Khánh Hoà.
Theo kết luận thanh tra của Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT), chi phí thực tế tính đến thời điểm thanh tra (tháng 10/2015) so với chi phí được duyệt trong tổng mức đầu tư dự án chênh lệch tới 1.282 tỷ đồng.
Giải trình với thủ tướng, Bộ trưởng Nghĩa cho hay có một số nhầm lẫn, sai sót và cách hiểu khác nhau về chế độ chính sách giữa các bộ, ngành dẫn đến sai lệch tăng 67,13 tỷ đồng. Trong đó 48,54 tỷ đồng là do còn có cách hiểu khác nhau về chế độ chính sách giữa các Bộ, ngành và 18,59 tỷ đồng là do sai sót, nhầm lẫn trong tính toán. Giá trị dự toán chênh lệch phải giảm trừ thanh toán do sai sót, nhầm lẫn trong tính toán dự toán là 18,55 tỷ đồng.
Cụ thể, về chi phí xây dựng, ông Nghĩa cho rằng “ở đây đang có cách hiếu khác nhau giữa các Bộ, ngành về chế độ chính sách”.
Dự án BOT mở rộng QL1 đoạn phía Nam tỉnh Khánh Hòa bị tố dự toán khống hơn 1.200 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Niên |
Theo trưởng ngành giao thông, Thanh tra Bộ KH&ĐT cho rằng chi phí nhân công có tính phụ cấp 10% không ổn định sản xuất là chưa đúng, làm tăng thêm 28,46 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Nghĩa thông tin, Bộ Xây dựng khẳng định việc tính phụ cấp không ổn định sản xuất là phù hợp, đồng thời UBND tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn và ban hành đơn giá xây dựng công trình cũng bao gồm phụ cấp không ổn định sản xuất.
Đối với việc sử dụng giá vật liệu, Thanh tra Bộ KH&ĐT cho rằng việc dùng giá nhựa đường do địa phương công bố để xác định TMĐT đã làm tăng thêm 20,08 tỷ đồng so với việc sử dụng nhựa đường kho Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) vận chuyển về công trình. Còn Bộ Giao thông cho rằng, việc dùng giá vật liệu theo công bố của địa phương là phù hợp với hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 04/2010/TT-BXD.
Với các sai sót, nhầm lẫn khác làm tăng 18,59 tỷ đồng (gồm: phụ cấp lưu động tính theo lương tối thiểu vùng thay vì phải tính theo lương tối thiểu chung (tăng 11,28 tỷ đồng), nhầm giá vật liệu thép, cước vận chuyển đất đắp và đơn giá cọc khoan nhồi (tăng 7,31 tỷ đồng), Bộ Giao thông cho hay, chuyện này liên quan đến trách nhiệm của Tư vấn và Ban QLDA 7.
Bộ GTVT thừa nhận sai sót trên và đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan theo quy định.
Nói tới chi phí lãi vay, ông Nghĩa khẳng định việc xác định lãi vay được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 166/2011/TT-BTC, lãi suất vay tối đa không quá 1,3 lần mức lãi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) có kỳ hạn dài nhất tại thời điểm gần nhất với thời điểm đàm phán hợp đồng.
Bộ GTVT lý giải, đến thời điểm thanh tra, nhà đầu tư chưa giải ngân hết khối lượng thực hiện, chưa sử dụng chi phí dự phòng và chi phí giải phóng mặt bằng giảm nên lãi vay giảm so với tổng mức đầu tư.
Về chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB), ông Trương Quang Nghĩa thông tin, theo quy định thì trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác GPMB và quyết toán chi phí là của địa phương và hiện nay địa phương vẫn đang tiếp tục chi trả cho những hộ dân còn chưa nhận tiền hoặc mới chỉ nhận một phần, nhưng đã chấp thuận di dời theo chỉ đạo của tỉnh Khánh Hoà để hỗ trợ cho Dự án có mặt bằng triển khai thi công đáp ứng tiến độ.
Ông Nghĩa khẳng định bộ của ông đã giúp giảm đáng kể chi phí GPMB thông qua việc thu hẹp 4 nền đường các đoạn qua đô thị đông dân cư (1 l,2km/36,lkm chiều dài dự án) và giảm cao độ thiết kế, phù hợp với cao độ nhà dân hai bên đường chứ không có chuyện vượt dự toán như kết luận thanh tra.
Hơn nữa, lãnh đạo ngành giao thông khẳng định chưa cần động tới chi phí dự phòng do không có biến động lớn về giá cả trong thời gian thực hiện dự án, cũng như việc bộ GTVT với tư cách chủ đầu tư đã kiểm soát chi phí tốt.
Về việc hoàn thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng “kết luận của thanh tra Bộ KH&ĐT tách khoản hoàn thuế GTGT ra khỏi tổng vốn đầu tư là không phù hợp”.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, ngày 18/11/2015, Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo về việc hoàn thuế GTGT các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT; theo đó, nhà đầu tư thực hiện việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT cùng với việc thanh toán giải ngân, sử dụng tiền được khẩu trừ, hoàn thuế GTGT cho dự án theo hợp đồng tín dụng, giảm vốn vay đầu tư theo đúng các quy định.
Bộ GTVT cho biết sẽ cập nhật vào phương án tài chính trong quá trình thoả thuận quyết toán chi phí đầu tư.
Đơn vị này nhấn mạnh, tổng mức đầu tư (TMĐT) xây dựng công trình là chỉ phỉ dự tính của dự án, là cơ sở đế chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình. Trong bước lập dự án đầu tư, không thể tính toán chính xác chi phí thực tế đâu tư xây dựng công trình.
“Thậm chí theo Thông tư số 04/2010/TT-BXD, Bộ Xây dựng còn cho phép lập TMĐT dựa trên suất vốn đầu tư xây dựng công trình hoặc theo số liệu của dự án công trình tương tự. Do vậy, TMĐT không phải là chi phí thực tế thực hiện công trình, chỉ là giá trị để tạm xác định thời gian thu phí hoàn vốn và Nhà đầu tư làm việc với Ngân hàng về việc vay vốn, lập kế hoạch sử dụng vốn”, ông Nghĩa cho biết.
Khẳng định dự án trên có TMĐT được xác đinh phù hợp với quy định hiện hành, Bộ Giao thông “đảm bảo không có thất thoát, lãng phí hoặc khai tăng TMĐT để kéo dài thời gian thu phí như phản ánh”.