Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Giao thông đề nghị lùi thời hạn tăng phí đường bộ BOT

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT (đã có lộ trình tăng phí từ 1/1/2016) nghiên cứu tạm thời lùi thời hạn này đến 1/6/2016.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa ký văn bản gửi Bộ Tài chính, các nhà đầu tư, doanh nghiệp về việc thu phí sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án BOT.

 BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29 km
BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Hoàng Anh.

Theo đó, trong quá trình thương thảo hợp đồng dự án, Bộ Giao thông và các nhà đầu tư đã căn cứ vào dự kiến mức tăng trưởng chỉ số trượt giá (CPI) và mức phí trần quy định của Bộ Tài chính để đưa ra lộ trình tăng mức phí cho từng giai đoạn (trong đó có lộ trình tăng phí từ 1/1/2016).

Tuy nhiên, hiện nay do sự điều hành chặt chẽ, sát sao, hiệu quả của Chính phủ nên chỉ số trượt giá (CPI) thấp hơn nhiều so với mức dự kiến.

Để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, nhất là phù hợp với mức giảm chỉ số trượt giá CPI thực tế so với dự kiến trong các hợp đồng BOT đã ký, Bộ Giao thông đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT (đã có lộ trình tăng phí từ 1/1/2016) tạm thời lùi thời hạn tăng phí đến 1/6/2016.

Bộ Giao thông cho biết, căn cứ tình hình thực tế, chỉ số trượt giá để tính toán điều chỉnh mức phí cho phù hợp, thỏa thuận với UBND cấp tỉnh và Bộ Giao thông để đề nghị Bộ Tài chính xem xét quyết định điều chỉnh Thông tư thu phí sử dụng đường bộ, dự thảo phụ lục hợp đồng BOT để điều chỉnh cho phù hợp.

Giữa tháng 5/2015, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trên các tuyến quốc lộ, hiện có 96 trạm đang và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành. Trong đó có 45 trạm đang thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT; 51 trạm sẽ thu phí cho các dự án BOT sau khi hoàn thành (khoảng từ nay đến năm 2018).

Theo Bộ Giao thông, trong quá trình lập và phê duyệt dự án BOT, Bộ đều có văn bản thỏa thuận với UBND cấp tỉnh, các bộ liên quan về hình thức đầu tư dự án BOT và được UBND cấp tỉnh và bộ liên quan thỏa thuận bằng văn bản.

Trường hợp vị trí đặt trạm thu phí không thuộc quy hoạch, hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường, thì trước khi dựng trạm, Bộ Giao thông Vận tải đều đã nhận được ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định (đối với đường quốc lộ).

Công Khanh

Bạn có thể quan tâm