Chiều 3/10, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT - trả lời báo chí về nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục. Trong đó, hai vấn đề được dư luận quan tâm là xử phạt giáo viên dạy, học thêm và giáo viên xúc phạm thân thể, nhân phẩm học sinh.
Theo ông Bằng, nghị định về xử phạt hành chính của Bộ GD&ĐT, cũng như nhiều văn bản pháp luật khác, trước hết để các chủ thể liên quan giáo dục thấy việc không được làm. Nếu làm, người vi phạm sẽ có nguy cơ bị phạt. Mục đích để tránh, chứ không chỉ nhằm phạt nhiều.
Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT. Ảnh: Q.Q. |
Bộ GD&ĐT cho hay người có thẩm quyền xử phạt, ngoài lực lượng thanh tra giáo dục, còn có chủ tịch UBND các cấp. Một số quy định cụ thể trong từng lĩnh vực chuyên ngành có thể bị các lực lượng khác xử phạt như quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành văn hóa, chuyên ngành thông tin, chuyên ngành tài chính...
Về dạy, học thêm, dư luận cho rằng quy định này khó thực hiện, bởi dẫn đến cách hiểu cấm chung nhà giáo không được dạy thêm. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục cụ thể hóa.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề cập quy định xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành hai nhóm hành vi khác nhau nhằm hướng tới hạn chế tình trạng bạo hành trong nhà trường, gây bức xúc dư luận.
Nghị định cũng quy định quy chế xử phạt hành chính để bảo vệ nhà giáo, nhân viên, cán bộ quản lý trong trường hợp bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm và xâm phạm thân thể.
Các quy định này hướng tới bảo vệ cả người học và nhà giáo, đồng thời đảm bảo cá nhân có hành vi vi phạm đều bị xử lý bình đẳng như nhau.
Ông Nguyễn Huy Bằng nói thêm nghị định này rất quan trọng nhưng không phải là "cây gậy vạn năng" giải quyết mọi vấn đề, mà cần phối hợp sử dụng nhiều công cụ quản lý khác.
Nghị định cần tuyên truyền sâu rộng để mọi người hiểu, làm đúng theo tinh thần “xử đúng thì tốt, nhưng không phải xử thì tốt hơn”.