Công văn là sự cụ thể hoá việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo, ứng phó với dịch Covid-19.
Các nội dung trong văn bản nhằm giúp cơ sở giáo dục chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Bộ GD&ĐT điều chỉnh chương trình cấp tiểu học trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tới việc dạy và học ở nhiều nơi. Ảnh: Đ.L. |
Tích hợp một số nội dung thành chủ đề dạy học lớp 1, 2
Đối với lớp 1, lớp 2, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các trường thực hiện nghiên cứu chương trình môn học, các mạch nội dung, kiến thức, chủ đề học tập và nội dung trong sách giáo khoa; từ đó xây dựng các chủ đề dạy học trên cơ sở tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt.
Cơ sở giáo dục ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung hình thành kiến thức mới, các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc.
Việc sắp xếp các chủ đề học tập cần thực hiện phù hợp với hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hoặc có thể hướng dẫn cho học sinh tự học với sự hỗ trợ của phụ huynh.
Thời gian thực hiện chương trình phải bố trí đảm bảo tính khoa học, sư phạm, phù hợp với từng hình thức dạy học và không gây áp lực đối với học sinh; đảm bảo cuối năm học đạt được yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ sở giáo dục căn cứ vào “Hướng dẫn thực hiện nội dung dạy học đối với lớp 1, lớp 2” của bộ để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch các môn học phù hợp với tình hình thực tế, thuận lợi cho quá trình thực hiện và đảm bảo khoa học, hiệu quả.
Hướng dẫn này, ngoài nêu rõ những nội dung giáo viên cần tập trung dạy học, nội dung tích hợp, còn yêu cầu tinh giản những bài tập khó cũng như bài tập yêu cầu kỹ năng tổng hợp.
Ở môn Tiếng Việt 1, giáo viên được phép căn cứ vào trình độ học sinh để chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học sao cho đảm bảo học sinh đạt được các yêu cầu cần đạt của môn học một cách chắn chắn và không để tình trạng học sinh không biết đọc, không biết viết tiếng Việt khi lên lớp 2.
Ở một số môn học khác, trong một vài chủ đề học tập, giáo viên phối hợp với phụ huynh học sinh để hướng dẫn các em thực hành yêu cầu cần đạt. Thầy cô cũng được linh hoạt thay đổi kế hoạch dạy học môn học để tổ chức dạy học một số chủ đề tại nhà trường.
Chương trình lớp 3, 4, 5 có nhiều nội dung được tinh giản. Ảnh: S.T. |
Tinh giản yêu cầu về kiến thức, kỹ năng lớp 3, 4, 5
Đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường tổ chức rà soát lại nội dung chương trình, sách giáo khoa, mức độ cần đạt của từng khối lớp đối với các môn học bắt buộc để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, nhất là những địa bàn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Các trường thực hiện tinh giản nội dung để tập trung giúp học sinh hoàn thành các nội dung cốt lõi theo hướng tinh giản mức độ yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với từng môn học.
Giáo viên tinh giản nội dung có trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức kỹ năng ở từng lớp; những nội dung trùng lặp trong môn học và giữa các môn học.
Bên cạnh đó, giáo viên tích hợp một số nội dung trong môn học và giữa các môn học thành các chủ đề học tập để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo quy định của chương trình.
Căn cứ vào“Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học đối với lớp 3, lớp 4 và lớp 5”, các trường xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch các môn học phù hợp với tình hình thực tế, thuận lợi cho quá trình thực hiện và đảm bảo khoa học, hiệu quả.
Trong hướng dẫn, nhiều nội dung bài học đã được giảm yêu cầu cần đạt, giảm bài tập, ghép thành chủ đề, cho phép giáo viên lựa chọn một trong số các nội dung tương đương để dạy học, hoặc yêu cầu học sinh tự học ở nhà…
Không kiểm tra các nội dung đã tinh giản
Trên cơ sở hướng dẫn tại công văn này, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện, bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Các nhà trường tăng cường hình thức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình và các hình thức dạy học khác phù hợp với điều kiện thực tế.
Phòng GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn thực hiện nghiêm túc hướng dẫn này và các chỉ đạo của sở. Song song với đó, phòng GD&ĐT cần kịp thời phát hiện khó khăn và có các biện pháp hỗ trợ phù hợp giúp các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện hiệu quả.
Cơ sở giáo dục tiểu học chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện và điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường năm học 2021-2022 đảm bảo khoa học, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của nhà trường.
Khi tình hình hình dịch bệnh được kiểm soát, các trường cần tập trung thời gian dạy học trực tiếp để tổ chức ôn tập, bổ sung các nội dung kiến thức cần thiết cho học sinh trước khi thực hiện dạy học nội dung mới và kiểm tra đánh giá theo quy định.
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục tiểu học không tổ chức kiểm tra, đánh giá các nội dung, yêu cầu đã được tinh giản; các bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự học.