Những con bò đực được thả vào một bãi đất trống của cánh đồng ngô, mắt chúng đỏ ngầu vì cần sa, rượu lậu và một hỗn hợp ít ai biết.
Một con điên cuồng lao tới, rồi đột nhiên đổi hướng. Mọi người tháo chạy, đổ xô lên nhau. Lũ trẻ nhanh nhảu leo lên những cành cây. Những người đàn ông chạy vội qua bãi ngô và nhảy qua hàng rào. Căn lều gần đó dường như muốn đổ sập xuống trong sự hỗn loạn.
Nhưng giữa lúc nỗi kinh hoàng lên đến đỉnh điểm, mọi người vỡ òa trong tràng cười sảng khoái và niềm vui thuần khiết.
Họ đang có mặt tại đám tang của một võ sĩ đấu bò huyền thoại, và những điều vừa diễn ra là một phong tục: Con bò đực say rượu xới tung nấm mồ để thu về dũng khí của người đàn ông đã tạo nên những nhà vô địch.
Một con bò đực cày xới mộ của một đấu sĩ bò nổi tiếng trong vùng. Ảnh: Washington Post. |
Thật khó để có thể dập tắt sự sôi động này.
Không có sự hiện diện của cảnh sát để áp đặt các lệnh hạn chế Covid-19 đối với đám đông. Không có những lời cằn nhằn gắt gỏng của những người phản đối. Nhưng còn đại dịch thì sao?
Bonventure Lusambili Munanga, chủ tịch của một hiệp hội đấu bò địa phương nổi tiếng, cho biết: “Corona không thể ngăn cản văn hóa”.
Hầu hết thành viên hiệp hội đấu bò của Munanga đều là người Luhya ở miền Tây Kenya, những người coi đấu bò là lẽ sống.
Covid-19 là thứ xa vời với cư dân ở đây
Những ngày này ở Kenya, các quy định chống dịch yêu cầu tang lễ không được có quá 50 người tham dự, nhưng đám tang của Edward Lilumbi Litali trong tháng này đã thu hút hàng nghìn người. Litalu được chôn cất trong một cánh đồng thuộc khuôn viên gia đình, nơi ông đã có một sự nghiệp đấu bò lẫy lừng. Sự thành công đã mang lại cho ông những thứ xa xỉ như điện, truyền hình vệ tinh và “sự tân tiến”, theo lời Munanga.
Những người đấu bò và người hâm mộ reo hò và nhảy múa trên mộ của Litali. Ảnh: Washington Post. |
Một số biến chủng của virus corona đã xuất hiện ở Kenya, nhưng dịch bệnh không càn quét đất nước này như những nơi khác trên thế giới. Mọi người, từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến những người đấu bò ở đây dường như đều có giả thuyết giải thích cho điều này: Một loại miễn dịch được di truyền, dân số trẻ, hoặc cũng có thể nhờ lệnh đóng cửa biên giới kéo dài 14 tháng qua của chính phủ.
Thực chất, chính phủ Kenya đã chuẩn bị rất sơ sài cho nguy cơ bùng phát dịch. Vaccine gần như không hiện diện tại quốc gia này. Cả nước mới chỉ có khoảng 2.000 người được tiêm chủng đầy đủ. Các chính trị gia thì vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc vận động khổng lồ, những sự kiện đã được chứng tỏ là “siêu lây nhiễm” ở các quốc gia khác.
Ở vùng nông thôn Kenya, những lo lắng về đại dịch có vẻ hơi xa vời. Khi ai đó nhắc đến Covid-19, mọi người sẽ đảo mắt ngán ngẩm.
Emmanuel Nzalu, 28 tuổi, một người đưa tang tại đám tang của ông Litali, cho biết: “Chúng tôi biết tin mọi người trên thành phố đã mất việc làm vì lệnh phong tỏa. Nhưng ở làng này, vốn dĩ chúng tôi đâu có việc làm để mà mất. Covid-19 chỉ là câu chuyện chúng tôi được kể, rằng ở đâu đó một vài người đã chết. Nhưng ở đây cuộc sống phải tiếp diễn. Chúng tôi còn sống, và sống bằng cách tận hưởng văn hóa của chúng tôi”.
Những đứa trẻ trèo lên cây để quan sát đám tang của Litali từ xa. Ảnh: Washington Post. |
Đối với người Luhya, Covid-19 cùng lắm cũng chỉ là niềm cảm hứng để đặt tên cho những chú bò.
Một chú bê tiềm năng, được hứa hẹn sẽ đánh gục những con bò đực khác trong tương lai đã được đặt tên là Sanitizer (Nước rửa tay). Một đối thủ nặng ký của chức vô địch đấu bò năm nay còn được gọi với cái tên Curfew (Lệnh giới nghiêm).
Đấu bò là lẽ sống
Rất lâu trước khi xảy ra đại dịch, ông Litali đã đặt tên cho chú bò nổi tiếng nhất của mình là Lukhutsu, tạm dịch là bệnh tật, hay thần chết. Người vợ góa của Litali, Phoebe Mwenesi Lilumbi, biết ơn nghi lễ đưa rước mà chồng bà đang nhận được, nhưng đồng thời cũng tỏ ra lo lắng.
“Covid-19 rồi sẽ xóa sổ cái làng này giống như cách Lukhutsu đã triệt tiêu những con bò của ông ấy”, bà nói khi nhìn vào đám đông hỗn loạn, nơi hàng nghìn người đang biến đám tang chồng bà trở thành một thứ gì đó vừa giống trận đấu bò, vừa giống buổi biểu diễn nhạc rock.
Hai người đưa tang cầm bức ảnh từ năm 1992 ghi lại cảnh một trận đấu bò của Litali. Ảnh: Washington Post. |
Tang lễ chỉ mới là màn dạo đầu. Khi quá nhiều người đấu bò tụ tập tại một nơi như vậy, hiển nhiên sẽ có những màn đánh cược về việc con bò nào sẽ đánh bại con bò nào. Những tay chơi nóng máu ngay lập tức lên lịch cho những trận giao tranh.
“Văn hóa của chúng tôi tưởng thưởng niềm đam mê và sự dũng cảm”, Munanga nói. “Nếu bạn tự tin, bạn có thể đặt cược chiếc xe máy của mình vào một trận đấu bò mà có khi chỉ kéo dài vài phút”.
Buổi sáng sau lễ tang, một cuộc chiến như vậy đã diễn ra ở phía bên kia của quận. Hai chú bò tên BBI và Ocampo là nhân vật chính của cuộc đọ sức. BBI rõ ràng là mạnh hơn Ocampo, một chú bò có vẻ rụt rè.
Trước trận đấu, ông chủ của BBI đã mài nhọn sừng của chú bằng mảnh chai vỡ, một người khác còn hút cần sa rồi phả hơi vào lỗ mũi của BBI.
Rồi họ đưa chú bò chiến ra đường, kích thích nó bằng những tiếng huýt sáo và reo hò. Những người nông dân dọc đường bỏ nông cụ xuống và tham gia vào đoàn rước.
Sau đó, BBI và Ocampo gặp nhau tại một cánh đồng mía bỏ hoang, nơi chúng chiến đấu trọn vẹn 13 phút trước khi Ocampo đầu hàng.
BBI và Ocampo đọ sức tại một cánh đồng mía bỏ hoang. Ảnh: Washington Post. |
Sau những tiếng reo hò và gào khóc vì quá phấn khích, một người cổ vũ BBI dừng lại để lau mồ hôi trên trán mình và hổn hển nói: "Cuộc sống mà không có đấu bò ư? Không đáng!".