Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ đội Việt Nam được trang bị xuồng đệm khí

Lữ đoàn 249 (Bộ Tư lệnh Công binh) vừa mới đưa xuồng đệm khí, một loại khí tài mới vào huấn luyện nhằm phục vụ nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và các nhiệm vụ quân sự khác.

Xuồng đệm khí mới do Australia sản xuất. Xuồng gồm các hệ thống: Động cơ, nâng, thổi khí, đẩy, điều khiển và nút bấm, cấp nhiên liệu, bảo vệ động cơ và hệ thống vỏ bọc thiết bị.

Cảnh hạ xuồng.
Các chiến sĩ chuẩn bị hạ xuồng xuống nước.

Hệ thống máy của xuồng gồm 3 động cơ 2 thì có công suất 100 CV, mức tiêu thụ nhiên liệu 12 lít/giờ. Thùng cấp nhiên liệu chứa được 52 lít. Nhiên liệu sử dụng là xăng pha dầu nhớt với tỷ lệ 1 lít dầu nhớt/40 lít xăng. Nguồn điện dùng cho máy hoạt động là 2 bình điện loại 12v. Hệ thống máy được làm mát bằng dung dịch.

Với hệ thống động cơ trên, xuồng có thể hoạt động liên tục trong hơn 4 giờ. Tốc độ tối đa khi đi trên cạn vào khoảng 15 km/giờ và dưới nước vào khoảng 62 km/giờ. Xuồng có tải trọng khoảng 400 kg và có thể chở theo được khoảng 7 người.

Điển khiển xuồng di chuyển trên mặt nước.
Điển khiển xuồng di chuyển trên mặt nước.

Khi di chuyển, xuồng đệm khí này có thể dễ dàng xoay vòng 360 độ hoặc di chuyển dọc, sang ngang khi cần thiết. Ưu điểm của loại xuồng này so với các loại xuồng chân vịt truyền thống là triển khai nhanh, điều khiển dễ dàng, có thể di chuyển cả ở trên bờ và dưới nước. Khi ở dưới nước, xuồng đệm khí có thể vượt qua gió lớn với tốc độ cao.

Xuồng đệm khí có nguyên lý hoạt động khá đơn giản. Quạt nâng cung cấp khí cho váy (làm căng phồng) và duy trì áp lực đệm khí trong không gian được vây bởi váy khí. Bánh lái đặt ở phần đuôi xuồng đảm nhiệm việc điều khiển. Váy đệm khí được gắn chặt với phần thân, giúp duy trì đệm khí dưới xuồng. Chong chóng đẩy nằm ở phía đuôi, đóng góp lực đẩy chính cho xuồng. 

Điểm đặc biệt của loại xuồng này là khi di chuyển, thân xuồng không chạm nước bởi nó tạo ra một lớp đệm khí. Với nguyên tắc hoạt động này, nó không chỉ chạy trên mặt sông, hồ, biển mà còn có thể... lướt nhẹ trên mặt đất. Loại xuồng này đặc biệt hiệu quả ở vùng có mớn nước nông hoặc có nhiều rong rêu không sử dụng được loại xuồng chân vịt.

Xuồng đệm khí được sử dụng rộng rãi trong cứu hộ, thể thao dưới nước, hải quan, du lịch... tại nhiều nước trên thế giới. Do đặc thù di chuyển với vận tốc cao, nên xuồng đệm khí được quan tâm nhiều trong cả quân sự lẫn dân sự. Trong quân sự, có thể được ứng dụng cho các loại tàu tuần tra, bảo vệ, tàu thể thao, cứu nạn, tàu thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt của hải quân...

Thiếu tá Hoàng Thế Hà, Chính trị viên Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn 249) cho biết: Song song với huấn luyện xuồng đệm khí chặt chẽ, an toàn cho các đối tượng, đơn vị đang tích cực nghiên cứu, biên soạn, hoàn chỉnh giáo án và quy trình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả trong thực tế. 

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/quan-su-quoc-phong/lu-doan-249-huan-luyen-lam-chu-xuong-dem-khi-moi/322758.html

Theo Hùng Anh/Quân đội nhân dân

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm