Theo đại tá Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, tháng 1 vừa qua, Bộ Công an đã trình Thủ tướng Đề án cấp biển số ôtô thông qua đấu giá. Đề án được Bộ Công an phối hợp Bộ tư pháp, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ xây dựng và lên kế hoạch lộ trình thực hiện.
Đại tá Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông. Ảnh: Cục CSGT. |
Lãnh đạo Cục CSGT cho biết, biển số ôtô đấu giá có thể chia thành 5 nhóm: Nhóm thứ nhất gồm 5 chữ số giống nhau. Nhóm thứ hai gồm 4 chữ số cuối giống nhau. Nhóm thứ ba có 3 chữ số giống nhau. Nhóm thứ tư gồm số sau lớn hơn số trước. Nhóm thứ năm bao gồm các số bất kỳ do người dân có nhu cầu tự chọn khác với 4 nhóm trên.
Quá trình đấu giá để sở hữu biển số xe phải tuân thủ theo Luật Giao thông đường bộ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017; Luật Đấu giá tài sản 2016 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công an về đăng ký và quản lý xe.
Theo quy định, mỗi biển số chỉ được cấp cho một xe. Người trúng đấu giá sẽ được sử dụng biển số đó cho xe của mình. Khi sang tên đổi chủ ở cùng tỉnh được tiếp tục sử dụng biển số đó. Trường hợp sang tên xe khác địa phương, chủ phương tiện phải làm theo quy định.
Một chiếc Toyota Vios gắn biển số 999.99. Ảnh: S.H.M. |
Theo vị Phó Cục trưởng Cục CSGT, cơ quan chức năng đưa ra đề xuất đấu giá qua trực tuyến, tạo cơ hội cho mọi người dân ở mọi nơi tham gia. Để đấu giá, mỗi người dân phải có một tài khoản, có phương tiện và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
''Tất cả kho số đưa ra đấu giá phải được niêm yết công khai tại nơi đăng ký xe và trên trang đấu giá trực tuyến để đảm bảo công bằng", đại tá Đức nói và khẳng định, số tiền thu từ đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Vị đại tá đánh giá, đề án đấu giá biển số ôtô đến nay đã có đủ cơ sở pháp lý, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân có phương tiện và đạt được sự nhất trí cao của các Bộ, ngành, địa phương.