Dự thảo lần này đưa vấn đề sau khi xử phạt, hàng tuần cơ quan chức năng sẽ thông báo tên người vi phạm giao thông đến địa phương, cơ quan quản lý và trên phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài truyền thanh địa phương).
CSGT dừng xe người vi phạm. |
Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng với các trường hợp bị tước giấy phép lái xe (các lỗi gây tai nạn do dừng xe không đúng nơi quy định, mở cửa gây tai nạn, không nhường đường hoặc cản trở xe ưu tiên, chạy quá tốc độ trên 35km/h...); trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ tai nạn giao thông; lợi dụng tai nạn giao thông để xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn; chống đối, cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ...
Đặc biệt, danh sách các trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng do sử dụng rượu, bia, ma tuý hay chống người thi hành công vụ... sẽ được gửi về Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông trung ương đăng tải và gửi Bộ Công an để theo dõi.
Nếu người vi phạm là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thì các cơ quan, tổ chức, đoàn thể lấy đây làm cơ sở bình xét thi đua. Đối với học sinh, sinh viên thì xem đây là tiêu chuẩn đánh giá đạo đức, hạnh kiểm.
Trả lời phỏng vấn báo chí về nội dung mới trên, Đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Công an), cho biết Nghị quyết 32/2007 và Nghị định 34/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt có quy định về việc gửi thông báo vi phạm lên báo chí nhưng nghị định mới nhất thay thế Nghị định 34 đã bỏ quy định này, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng không nhắc tới.
Quy định về việc gửi thông báo vi phạm lên báo chí là quy định cũ đã được đưa ra trong Thông tư 38/2010 và dựa trên tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 32/2007 và Bộ Công an vẫn xác định đó là một biện pháp quan trọng, phù hợp, đảm bảo tính răn đe.
“Quy định này còn đang trong giai đoạn dự thảo lấy ý kiến. Tuy nhiên thực tế cho thấy việc gửi thông báo như vậy đã đem lại những hiệu quả nhất định”- ông Quân nói.
Theo thống kê của Tổng cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII - Bộ Công an), qua hơn 2 năm thực hiện Thông tư 38/2010/BCA, công an các đơn vị, địa phương đã gửi hơn 1,5 triệu thông báo vi phạm đến công an phường, xã, thị trấn nơi người vi phạm cư trú, công tác, học tập để theo dõi, kiểm điểm, giáo dục; gửi trên 167 nghìn thông báo vi phạm đến các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục chung.
Trong đó đã có trên 190.000 trường hợp phản hồi kết quả cho cơ quan đã ra thông báo vi phạm. Tổng cục VII cho rằng việc gửi thông báo đã có tác dụng rất tích cực, phát huy hiệu quả trong việc giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người dân.
Dự thảo tờ trình của Tổng cục VII nêu rõ sau nhiều lần bàn bạc, thảo luận, các thành viên tổ soạn thảo và các đơn vị liên quan đã đi đến thống nhất vẫn giữ nguyên quy định thông báo tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin truyền thông vì phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tổng cục VII cũng cho rằng đây được coi là một biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông đem lại hiệu quả cao.