Chiều 12/12, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình về tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính.
Trình bày báo cáo của Bộ Công an về vấn đề này, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết từ năm 2013 đến 9/2019, công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ gần 4,3 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có 248.938 ôtô (chiếm 5,8%) và gần 4 triệu môtô.
Đến tháng 9/2019, tại các đơn vị địa phương còn tồn đọng 136.989 phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được, gồm 722 ôtô, 134.073 môtô và 2.144 phương tiện khác.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Hải Quân. |
Theo thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, công tác tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông hiện nay của các cơ quan công an còn nhiều khó khăn. Điển hình như tình trạng người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, bỏ phương tiện. Nhưng theo quy định, phải chờ hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt cơ quan, người có thẩm quyền mới thực hiện thủ tục xử lý phương tiện, dẫn đến số lượng phương tiện bị tạm giữ tăng và thời gian kéo dài.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng thủ tục tịch thu, bán đấu giá phương tiện mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu như: xác minh chủ sở hữu phương tiện, giám định, thông báo niêm yết, tra cứu hồ sơ để xác định phương tiện đó có nằm trong cơ sở vật chứng hay không, định giá, ra quyết định tịch thu, lập phương án xử lý tài sản đối với từng phương tiện.
Từ những khó khăn đó, ông nêu thực tế về tình trạng quá tải số phương hiện đã quá thời hạn tạm giữ nhưng chưa xử lý được.
“Việc tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được”, tướng Ngọc nói và cho biết trong tổng số 136.989 phương tiện tồn đọng có 99.983 phương tiện còn sử dụng được, 37.006 phương tiện đã hư hỏng.
Trong khi quá tải về lượng phương tiện thì cơ sở vật chất tại nơi tạm giữ phương tiện lại chưa đáp ứng được.
Từ những bất cập đã báo cáo, Thứ trưởng Bộ Công an nghị mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh để được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Quy định này nhằm hạn chế việc đưa các phương tiện về nơi tạm giữ.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đề nghị sửa đổi luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng, đối với phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 ngày, nếu người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì cơ quan có thẩm quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, quá thời hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện vi phạm hành chính.
Đồng thời, đề xuất rút ngắn thời gian và số lần thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong trường hợp phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận, hoặc không xác định được người vi phạm, để tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng tiến hành các thủ tục bán đấu giá, thanh lý phương tiện.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng kiến nghị nghiên cứu quy định cho phép các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện được đầu tư các địa điểm tạm giữ phương tiện, có thu phí theo quy định của Bộ Tài chính để huy động nguồn lực xã hội và giảm tải áp lựa về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho Nhà nước.