Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công an đề xuất lập lực lượng hỗ trợ công an chính quy

Theo Bộ trưởng Công an, việc nhập bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng mới sẽ giảm nửa triệu người, giúp toàn quốc tiết kiệm 150 tỷ mỗi tháng.

Ngày 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Đây là lần đầu tiên dự luật được Chính phủ trình ra xin ý kiến, với đề xuất quan trọng là tổ chức lại 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng làm nhiệm vụ tham gia hỗ trợ công an chính quy bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.

Lo phát sinh bộ máy, tăng kinh phí

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đưa ra nhiều lý do để khẳng định việc xây dựng ban hành luật là cần thiết.

Theo ông, việc thống nhất ba lực lượng nêu trên thành một giúp giảm số người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách.

Tuy vậy, một số ý kiến lại băn khoăn việc thành lập lực lượng mới với các quy định như dự luật sẽ làm phát sinh chi phí của ngân sách Nhà nước.

Bo truong Cong an giai trinh viec thanh lap du luat moi anh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt. Ảnh: Hải Ninh.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho biết tại phiên họp thẩm tra của cơ quan này, có ý kiến cho rằng các quy định về tuyển chọn, thành lập, công nhận chức danh; nơi làm việc, trang bị, trang phục, phù hiệu và các chế độ, chính sách khác như trong dự thảo luật có thể dẫn đến việc “chuyên nghiệp hóa”, “chính quy hóa” lực lượng này, làm phát sinh kinh phí, trùng với một số quy định của pháp luật có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng băn khoăn sau khi hợp nhất 3 lực lượng, số nhân sự sẽ tăng lên, dẫn đến nhu cầu cần bổ sung về kinh phí rất lớn.

Dự thảo luật không tiếp tục duy trì lực lượng công an xã bán chuyên trách, đội bảo vệ dân phố, cắt giảm phụ cấp nhưng có quy định các lực lượng này được hưởng chế độ bồi dưỡng hàng tháng.

“Thực chất, đây chỉ là cách gọi khác, còn về tính chất, bồi dưỡng cũng như phụ cấp. Đây là vấn đề cần hết sức cân nhắc, có tính toán kỹ”, ông Tùng nói.

Bo truong Cong an giai trinh viec thanh lap du luat moi anh 2

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc ban hành luật phải bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và phải làm rõ chức năng, phạm vi của lực lượng hỗ trợ công an chính quy bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở. Ảnh: Hải Ninh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng 3 lực lượng thuộc đối tượng điều chỉnh của dự án luật này gồm bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách đã hết nhiệm vụ khi đưa công an chính quy về xã.

“Có nghĩa là luật này đưa những anh hết nhiệm vụ vào”, bà nói.

“Nếu luật ban hành, phải đặt trong mối liên hệ với các tổ chức tự quản đã có mà thực sự hiệu quả”, bà Ngân nhấn mạnh phải rà soát để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và phải làm rõ chức năng, phạm vi của lực lượng này tham gia phối hợp với lực lượng công an, chứ không phải chịu trách nhiệm chính hay làm thay công an.

Nhận định đây là hình thức tự quản của quần chúng, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề nên do quần chúng tự giới thiệu, lựa chọn. Theo bà, công an chỉ hướng dẫn về tiêu chuẩn nghiệp vụ, còn về kinh phí để lực lượng này hoạt động, việc thay phụ cấp hàng tháng bằng hỗ trợ hàng tháng cần ý kiến của Bộ Tài chính.

Chủ tịch Quốc hội nói thêm việc dự thảo luật này chưa có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy cần thiết và đủ điều kiện, phải báo cáo Quốc hội điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2020-2021.

Giảm khoảng 500.000 người, tiết kiệm 150 tỷ mỗi tháng

Giải trình làm rõ nội dung này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết theo thống kê, cả nước có 180.799 đơn vị cấp thôn.

Nếu theo quy định của pháp luật về Phòng cháy chữa cháy, mỗi thôn phải thành lập một đội dân phòng trung bình khoảng 10 người. Như vậy cả nước có khoảng 1,8 triệu dân phòng (thực tế hiện nay mới thành lập được khoảng 23% con số này). Cùng với đó, khoảng 72.000 người là bảo vệ dân phố ở các đô thị, trên 126.000 người là công an xã bán chuyên trách.

“Như vậy, theo quy định của luật, tổng số lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách vào khoảng 2 triệu người”, đại tướng Tô Lâm nói.

Bo truong Cong an giai trinh viec thanh lap du luat moi anh 3

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết nếu nhập 3 lực lượng thành một sẽ giảm được 500.000 người, tiết kiệm 150 tỷ mỗi tháng. Ảnh: Hải Ninh.

Về mức kinh phí, ông Lâm cho biết trung bình mỗi người hưởng mức hỗ trợ 300.000 đồng/người/tháng, theo đó ngân sách Nhà nước phải bảo đảm chi khoảng 600 tỷ đồng/tháng để chi trả. Trung bình một tỉnh cần khoảng 10 tỷ đồng/tháng chi cho các lực lượng này.

Theo Bộ trưởng Công an, nếu bỏ chế độ chi trả phụ cấp hàng tháng như quy định của dự thảo luật này, nhập 3 lực lượng lại thành một và tính trung bình một thôn có 5-10 người thì toàn quốc có khoảng 1,5 triệu người tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở.

“Con số này giảm 500.000 người so với việc giữ 3 lực lượng. Đây là con số ước tính theo quy định của luật, còn thực tế triển khai thế nào vẫn có thể khác”, đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Công an cho biết theo quy định của dự thảo luật này, hàng tháng toàn quốc sẽ cắt giảm được khoảng 150 tỷ đồng từ ngân sách để chi trả, hỗ trợ hoạt động của các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự trị an cơ sở.

Bộ trưởng Công an ‘sốt ruột’ với chương trình xây dựng luật

Tướng Tô Lâm chia sẻ “rất sốt ruột” khi thấy 2 luật không có tên trong chương trình của Quốc hội. Ông nói hồ sơ đã đủ điều kiện nhưng không biết vướng ở đâu.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm