Chiều 28/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì hội nghị triển khai nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Hội nghị nối điểm cầu đến 63 tỉnh thành trên cả nước.
Vào phiên buổi sáng, các phó thủ tướng đã trình bày báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, dự thảo Nghị quyết 01, dự thảo Nghị quyết 02, trong đó nhấn mạnh phương châm 12 chữ vàng trong năm tới là "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá".
Tổng bí thư, Chủ tịch nước tham dự hội nghị vào sáng 28/12. Ảnh: VGP. |
Phát biểu tại hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ về 8 ấn tượng với kết quả kinh tế - xã hội năm qua. Ông yêu cầu Chính phủ duy trì đà tăng trưởng trong năm tới, không được thấp hơn.
Cũng trong sáng nay, Hội nghị đã nghe báo cáo tham luận của 2 địa phương là Hải Phòng và Cần Thơ. Dự kiến chiều nay, việc thảo luận sẽ được tiếp tục khi có nhiều địa phương phát biểu như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, TP.HCM...
Cuối buổi chiều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu kết luận hội nghị.
-
Bộ Công an đặt mục tiêu giảm 3.000 gia đình có người đi tù mỗi năm
Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết trung bình mỗi năm có khoảng 53.000 vụ án xảy ra. Số vụ án này nếu không được ngăn chặn có thể tăng lên nhanh chóng lên đến hàng trăm nghìn.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh mục tiêu của Bộ Công an không chỉ là phá án, mà còn là kéo giảm các vụ án phạm tội.
“Chúng tôi đặt mục tiêu giảm tỷ lệ tội phạm từ 3 đến 5% mỗi năm. Con số này tương ứng việc phấn đấu giảm 3.000 gia đình không có người đi tù hàng năm, cũng tương đương khoảng 3.000 gia đình không có người bị hại”, ông nói.
Bộ trưởng cho rằng việc số lượng vụ án tăng lên thì Bộ Công an có tăng biên chế đến mấy, có phá được nhiều vụ án đến mấy cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề. Vấn đề là phải giảm số lượng vụ án xuống.
Ông cũng cho biết năm 2019, Bộ Công an tiếp tục xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, gần dân hơn, giải quyết bức xúc của nhân dân ngay từ cơ sở. Quyết tâm xây dựng bản làng từng thôn xóm yên lành, lấy lại niềm tin của nhân dân, được nhân dân yêu thương đùm bọc.
-
Năm 2019 sẽ tổng rà soát các cơ sở nuôi dạy trẻ, kể cả trong chùa chiền và nhà thờ
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề xuất phải xử lý tình trạng tín dụng đen đang diễn biến phức tạp, tấn công vào các đối tượng người nghèo công nhân. Ông cũng cho rằng cần có biện pháp giải quyết nhu cầu “vay nóng” chính đáng của người dân trong cuộc sống.
Bộ trưởng cũng cho biết năm 2019, Chính phủ sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề ngăn chặn tình trạng bạo lực cũng như xâm hại phụ nữ và trẻ em. Bộ sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ các cơ sở nuôi dạy trẻ em nhất là trong các trường tư thục, kể cả việc nuôi dạy trẻ trong nhà chùa, nhà thờ.
-
3 thách thức cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành nông nghiệp có 3 thách thức rất lớn là tính bền vững trước thiên tai, tính nhỏ lẻ trong chuỗi liên kết giá trị nông sản và vấn đề hàng rào thuế quan, chiến tranh thương mại trong xuất khẩu.
Giải pháp được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra là làm sâu sắc hơn chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, đi vào thực chất hơn mục tiêu phát triển nông thôn mới và tập trung nhóm giải pháp đồng bộ để nâng cao khả năng ứng phó thiên tai, giảm thiểu thiệt hại.
-
Thách thức đảm bảo cung cấp đủ điện giai đoạn 2022-2023
Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, qua 4 kịch bản trong năm tới thì vẫn đảm bảo đủ điện. Tuy nhiên, thách thức đảm bảo đủ điện đến giai đoạn 2022-2023 là rất lớn. Ông đề nghị 2019 rất cần những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các đối tượng đầu tư, để triển khai các dự án đầu tư then chốt cho năng lượng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị cần rà soát cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là phát triển điện áp mái, huy động nguồn xã hội của người dân.
Ông cũng đề nghị hoàn thiện thị trường than, đảm bảo nguồn cung cấp cho phát điện. Ngoài ra, Chính phủ và các địa phương cần quan tâm phát triển cơ cấu hạ tầng năng lượng như truyền tải, trạm biến áp… Trong đó có tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng.
-
‘Dừng thanh toán các dự án BT do rất nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực’
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, thị trường chứng khoán đã đạt quy mô 80% GDP, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao đến năm 2020 là 70% quy mô GDP.
Năm 2018 mới chỉ hoàn thành cổ phần hóa 15/85 doanh nghiệp Nhà nước. Còn 665 doanh nghiệp đã cổ phần hóa vẫn chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Năm 2019, ngân sách Nhà nước cũng giảm 10.000 tỷ đồng chi thường xuyên do giảm biên chế.
Ông cho biết khi đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 1/1/2019, giá xăng dầu vẫn giảm do chi phí đầu vào giảm. Đây là một tín hiệu vui với việc kiềm chế lạm phát ngay từ đầu năm 2019.
Nói về đề xuất của một số địa phương kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong việc thanh toán tài sản công với các dự án BT, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết khi triển khai Luật quản lý tài sản công, Bộ Tài chính đã tích cực nghiên cứu trình các cấp thẩm quyền các nghị định liên quan.
Dự kiến đầu tháng 1, Thủ tướng sẽ ký Nghị định hướng dẫn thanh toán hợp đồng BT. Ảnh: LH. Riêng Nghị định hướng dẫn về thanh toán BT, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ. Trong năm nay đã có 5 lần báo cáo giải trình tiếp thu. Riêng Văn phòng Chính phủ đã 3 lần lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Thủ tướng cũng chủ trì cuộc họp về nội dung này trong tháng 8.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh lý do dừng việc thanh toán tài sản công cho các dự án BT do vấn đề này rất nhạy cảm, rất dễ xảy ra tham nhũng tiêu cực.
“Hiện nay Bộ Tài chính đã hoàn thiện hết dự thảo Nghị định, cũng như hướng dẫn chuyển tiếp trong thời gian có khoảng trống pháp lý. Dự kiến đầu tháng 1, Thủ tướng sẽ ký những Nghị định này”, ông nói.
-
Cao Bằng kiến nghị sớm truyển khai 2 tuyến cao tốc nối với Lạng Sơn
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh trong việc hoàn thiện các thủ tục để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Lạng Sơn, Trà Lĩnh - Cao Bằng giai đoạn 2025.
Tỉnh Cao Bằng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt cơ chế đặc thù phát triển khu du lịch thác Bản Giốc. Ảnh: Phạm Cương. Tỉnh này cũng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề án về cơ chế chính sách đặc thù phát triển khu du lịch thác Bản Giốc. Cuối cùng là đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn sắp xếp tổ chức bộ máy cấp tỉnh.
-
Đà Nẵng đề nghị sớm kết thúc việc thanh tra, kiểm tra một số vụ án trên địa bàn
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng cho biết thành phố này đã có một năm đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức, do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Ông cho biết GRDP của thành phố năm 2018 đạt 7,86%, tốc độ tăng thu ngân sách đạt 13%.
Chủ tịch Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách. Ông đề nghị Thủ tướng sớm quyết định chủ trương đầu tư xây dựng và bố trí vốn cho dự án cảng Tiên Sa.
Thứ ba, ông Huỳnh Đức Thơ đề nghị sớm kết thúc việc thanh tra, điều tra các vụ án trên địa bàn thành phố. Qua đó Đà Nẵng có điều kiện tập trung thời gian và nguồn nhân lực giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội.
-
Quảng Ninh kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt phát triển casino tại Vân Đồn
Phát biểu tham luận tại hội nghị Chính phủ với các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đưa ra một số kiến nghị, trong đó có vấn đề về khu kinh tế Vân Đồn.
Quảng Ninh đề xuất sớm có casino ở Vân Đồn. Ảnh: Hoàng Hà. Theo ông Long, Quảng Ninh đã tích cực triển khai huy động các nguồn lực của các doanh nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng với số vốn lên với 36.000 tỷ đồng. Dự kiến ngày 30/12 tới, tỉnh này sẽ khánh thành một số công trình như cao tốc Hạ Long - Vân Đồn Đồng, khai trương sân bay quốc tế Vân Đồn, cảng khách quốc tế Hạ Long…
Ông nhắc lại, Bộ Chính trị từng cho Vân Đồn được triển khai casino. Do đó ông đề nghị Chính phủ, Thủ tướng sớm phê duyệt khu phức hợp giải trí cao cấp tại Vân Đồn, trong đó có casino. Hiện nay, hồ sơ đã trình trên Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành đã lấy ý kiến để sớm trình Thủ tướng
-
TP.HCM đã có một năm nhiều khó khăn, thách thức
Phát biểu tham luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đã trải qua một năm với nhiều khó khăn thách thức, khi vừa điều hành phát triển kinh tế - xã hội, vừa tập trung thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Có những vụ việc kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, đồng thời môi trường đầu tư của thành phố phần nào bị ảnh hưởng.
Việc dừng thanh toán tài sản công cho các dự án đối tác công tư PPP, như dự án BT, đã khiến nhiều dự án của thành phố bị chậm lại.
Nói về tình hình kinh tế - xã hội 2018, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết tiếp tục chuyển biến tích cực đạt được nhiều kết quả mang tính toàn diện. GRDP tăng trưởng 8,3%, số doanh nghiệp thành lập mới là hơn 44.000 doanh nghiệp.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để TP.HCM hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ông Phong kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh một số nghị định, thông tư theo hướng tạo điều kiện mạnh mẽ cho thành phố tự chủ, chủ động thực hiện các quy trình thủ tục phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn của thành phố, phục vụ tốt hơn nhu cầu của cá nhân và tổ chức trên địa bàn.
UBND TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi, triển khai thực hiện và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế vướng mắc một số quy định trong luật đầu tư công hiện nay chưa đồng bộ, thống nhất chưa phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương.
Điều này gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện kiến nghị điều chỉnh theo hướng phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền địa phương gắn với trách nhiệm liên quan đồng bộ với các luật liên quan. Đơn giản hóa các thủ tục đầu tư xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong hiệu quả các dự án đầu tư công.
UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị định quy định về sử dụng tài sản công nghệ thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT và Nghị định thay thế Nghị định 24 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.
Ngoài ra còn có Nghị định số 37 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp huyện để các địa phương sớm triển khai thực hiện đối với các nội dung kiến nghị cụ thể thành phố.
-
Hà Nội đề xuất sớm tăng vốn 2 tuyến đường sắt đô thị
Theo chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong bối cảnh đối mặt với không ít khó khăn thách thức năm 2018, thành phố đã đạt được kết quả quan trọng và toàn diện.
Về kinh tế, thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, việc liên kết động lực kinh tế vùng và toàn quốc được thể hiện rõ nét. Hà Nội đã hoàn thành 20/20 chỉ tiêu về mặt kinh tế xã hội. Trong đó có 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Khách du lịch là 26,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế là 6 triệu lượt tăng 20%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 70.815 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 239.000 tỷ đồng. Hà Nội cũng giảm tỷ trọng chi thường xuyên từ năm 3,6% theo dự toán của Thủ tướng giao xuống. Diện mạo đô thị nông thôn, đô thị khởi sắc hơn. Nhiều công trình trọng điểm cấp bách đã hoàn thành đưa vào sử dụng khai thác như cầu vượt An Dương, tuyến đường phía nam giai đoạn 1, khởi công đường vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Nội vẫn còn những hạn chế trong việc phát huy lợi thế động lực phát triển. Kinh tế thủ đô và kinh tế xã hội chưa đạt yêu cầu, trật tự xây dựng đô thị có chuyển biến tích cực nhưng kết quả chưa vững chắc. Một số vi phạm về trật tự xây dựng chưa được xử lý dứt điểm nhất là các vi phạm.
Năm tới, thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phấn đấu hoàn thành 22 tiêu phát triển kinh tế xã hội. Hà Nội sẽ đẩy mạnh chương trình Chính phủ điện tử, phát triển thành phố thông minh. Thành phố sẽ bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của thủ đô. Tập trung các nguồn lực cho phát triển giáo dục.
Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ sớm giải quyết các điểm nghẽn trong đầu tư công, giải ngân vốn ODA, các dự án theo hình thức đối tác công tư BT, BOT. Ngoài ra sớm phê duyệt việc tăng vốn 2 tuyến đường sắt đô thị là Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi….