Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Chính trị dừng thí điểm Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch MTTQ

“Bộ Chính trị đã họp và kết luận đề nghị không mở rộng thí điểm mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ”, bà Trương Thị Mai cho hay.

Thông tin này được Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho biết tại hội nghị trực tuyến với MTTQ các tỉnh thành sáng 8/7.

Theo bà Trương Thị Mai, khối MTTQ và khối Dân vận có 2 thí điểm cần quan tâm. Một là chức danh Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ. Hai là mô hình hoạt động chung cho hoạt động MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

Hiện, mô hình chung mới triển khai ở 2 tỉnh là Quảng Ninh và Bình Phước.

Dung thi diem Truong ban Dan van kiem Chu tich MTTQ anh 1

Trưởng ban Dân vận Trương Thị Mai. Ảnh: Hải Quân.

Báo cáo tổng kết của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho thấy, hiện tại, số Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ cấp tỉnh là 26/63 (41,26%), cấp huyện là 466/712 (65,63%).

“Vừa rồi, Bộ Chính trị đã họp, ban hành kết luận đề nghị không mở rộng thí điểm mô hình này nữa, tiến hành sơ kết, tổng kết theo đề xuất của MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương”, bà Mai thông tin và khẳng định Bộ Chính trị rất lắng nghe ý kiến của MTTQ và Ban Dân vận Trung ương trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 18 ở những nơi thực hiện mô hình, cơ chế thí điểm.

Nói về mô hình này, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội, cho biết dù chưa có đánh giá ở cấp huyện, hầu hết quận, huyện hiện nay không tiếp tục thực hiện mô hình này mà tách Trưởng ban Dân vận và Chủ tịch MTTQ.

“Còn rất ít các đơn vị chỉ có 11 nhân sự cấp ủy viên thì có thể duy trì mô hình này. Điều đó khẳng định sự cần thiết, xác định rõ nhiệm vụ của Trưởng ban Dân vận và tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho Chủ tịch MTTQ”, bà Hương nhấn mạnh.

Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Hà Văn Hùng cũng cho rằng cầm sớm tổng kết mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ để triển khai trong cả nước. Hiện nhiều nơi có nhiều cách làm khác nhau, nơi thành công, nơi chưa.

Ông Hùng dẫn chứng ở cấp huyện của Hà Tĩnh, nơi nào điều kiện cơ quan Dân vận và Mặt trận đội ngũ cán bộ đồng đều và tốt, được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm thực sự đủ năng lực thì thực hiện tương đối có hiệu quả; ngược lại thì thực hiện rất khó khăn.

“Đối với cấp tỉnh, nhiệm vụ kiêm nhiệm này càng khó khăn hơn. Đề nghị Trung ương hết sức cân nhắc”, ông Hùng nói.

Giải trình thêm sau đó, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho hay theo Kết luận 74 của Bộ Chính trị, việc thí điểm mới Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ sẽ không thực hiện nữa, chỉ ổn định con số đang có.

Theo ông Lềnh, sắp tới Ban Tổ chức Trung ương chủ trì cùng với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương tiến hành tổng kết mô hình này.

Bộ trưởng Giáo dục nói về việc Chủ tịch Quảng Ninh kiêm hiệu trưởng ĐH

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng chỉ nên là giải pháp tình thế, trong tình huống đặc biệt. Trường cần sớm kiện toàn nhân sự.

Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm