Từ lâu, Bắc Kinh đã hạn chế chú ý của dư luận vào Bộ An ninh Nhà nước (MSS), cơ quan chịu trách nhiệm chính trong hoạt động gián điệp và phản gián của Trung Quốc. Không giống những cơ quan tình báo khét tiếng như CIA của Mỹ hay MI6 của Anh, MSS không có trang điện tử, không có người phát ngôn hay bất cứ địa chỉ liên hệ nào được công khai.
Vốn hoạt động âm thầm tránh khỏi sự chú ý của báo giới, MSS chỉ mới nổi lên thành tiêu điểm của báo giới vài tuần qua trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây leo thang cao độ xung quanh các vụ bắt bớ.
MSS chính là cơ quan tiến hành vụ bắt giữ cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và thương nhân Michael Spavor với cáo buộc hai công dân Canada có hoạt động "đe dọa an ninh quốc gia" Trung Quốc. Đây được xem là đòn trả đũa nhắm vào Canada sau khi nước này bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei, và có khả năng dẫn độ bà này sang Mỹ.
Trụ sở Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ảnh: SCMP. |
Bí mật danh tính lãnh đạo
Được thành lập năm 1983, MSS chịu trách nhiệm về hoạt động phản gián, tình báo tại nước ngoài, cũng như giám sát và tình báo nội địa phục vụ an ninh quốc gia Trung Quốc.
Giống như các bộ khác của chính phủ, MSS có mạng lưới rộng lớn gồm các cơ quan cấp tỉnh, thành phố trên khắp Trung Quốc. Từ góc nhìn của Washington, MSS là một cơ quan kết hợp cả Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Người đứng đầu MSS hiện nay là Bộ trưởng Trần Văn Thanh, ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, năm nay 58 tuổi. Ông Trần có hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lực lượng an ninh tại tỉnh Tứ Xuyên. Trước khi nắm quyền tại MSS, ông Trần là phó bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống tham nhũng từng do Phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn đứng đầu.
Danh tính các lãnh đạo tại MSS hiếm khi được nhắc tới. Một trong số hiếm hoi thứ trưởng của MSS được tiết lộ danh tính là Mã Kiến. Năm 2015, ông Mã bị khai trừ đảng và bị điều tra với cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi và nhận hối lộ sau vụ việc liên quan đến tỷ phú Quách Văn Quý.
Bộ trưởng Trần Văn Thanh đứng đầu cơ quan tình báo Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Một lãnh đạo cấp phó khác tại MSS được tiết lộ danh tính là Khâu Tiến. Danh tính ông này xuất hiện khi chỉ đạo hộ tống Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an Trùng Khánh, tới Bắc Kinh dự phiên xét xử tháng 9/2012 trong vụ án liên quan cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai.
Theo National Interest, MSS tuyển chọn nhân viên với quy trình đặc biệt khắt khe để bảo đảm chất lượng. Sinh viên ưu tú của các trường đại học hàng đầu Trung Quốc như Thanh Hoa, Bắc Kinh, Phúc Đán là nguồn nhân lực ưa thích của MSS. Ngoài ra, MSS cũng tuyển chọn điệp viên từ các công ty nước ngoài, cơ quan nghiên cứu tại Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới.
Quyền lực rộng lớn
Theo quy định của Luật Tình báo quốc gia Trung Quốc có hiệu lực từ năm 2007, MSS được trao quyền lực lớn, tiến hành các hoạt động gián điệp dưới nhiều hình thức cả bên trong lẫn bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. MSS cũng được trao quyền giám sát, điều tra các cá nhân và tổ chức, đồng thời yêu cầu những đối tượng này tham gia hợp tác phục vụ hoạt động tình báo.
Không dừng lại tại đó, MSS có quyền giam giữ hành chính những đối tượng cản trở hoặc tiết lộ thông tin về công tác tình báo với thời gian tối đa 15 ngày. MSS cũng được trao quyền bắt giam hoặc tạm giữ những người có hành vi tội phạm liên quan tới an ninh quốc gia.
Cựu viên chức ngoại giao Michael Kovrig (trái) và thương nhân Michael Spavor là hai công dân Canada bị MSS bắt giữ trong tháng 12. Ảnh: NBC. |
Hôm 20/12, Bộ Tư pháp Mỹ truy tố hai tin tặc Trung Quốc với cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại và công nghệ từ nhiều quốc gia. Cả hai tin tặc này đều được cho là hành động dưới sự chỉ đạo của một cơ quan tình báo.
Vụ truy tố diễn ra sau khi một viên chức cấp cao của MSS tên Từ Ngạn Quân bị vây bắt tại Bỉ và được dẫn độ sang Mỹ hồi tháng 10. Nhà chức trách Mỹ cáo buộc ông Từ đánh cắp bí mật kinh doanh từ hàng loạt công ty hàng không, vũ trụ của nước này. Vụ bắt giữ được nhận định là động thái chưa từng có tiền lệ.
Trong quá khứ, hoạt động của MSS từng bị phanh phui khi tổ chức này bị cáo buộc tống tiền một nhân viên tại Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở Thượng Hải để thu thập thông tin tình báo năm 2004. Cũng tại Thượng Hải, MSS được cho là đã tống tiền một nhân viên ngoại giao Mỹ để thu thập thông tin tình báo về Triều Tiên, Myanmar và Biển Đông năm 2013.
Theo New York Times, MSS bị Mỹ cáo buộc thao túng sinh viên Đại học Sơn Đông và Đại học Giao thông Thượng Hải tham gia tấn công tin tặc, đánh cắp bí mật quân sự không gian của Mỹ năm 2017. Nạn nhân của vụ tấn công gồm nhiều ông lớn công nghệ như Microsoft, Google và một số tập đoàn khác.