“Vài trăm triệu với giới chơi lan tiền tỷ không nghĩa lý gì cả. Thứ họ cần là uy tín và dấu tick màu xanh của Facebook là một phần không thể thiếu để tạo nên tên tuổi cho các vườn lan”, T. Huy người làm các dịch vụ liên quan đến nền tảng Facebook tại TP.HCM cho biết.
Theo ông Huy, khoảng 1 năm trở lại đây, nhu cầu “lên tick xanh” để tăng uy tín của các chủ vườn lan đang tăng cao. Từ đó, dịch vụ “làm tick xanh” cũng có cơ hội phát triển.
Vài trăm triệu là có tick xanh
Theo Facebook, tick xanh có nghĩa tài khoản đã được xác nhận chính chủ dành cho người của công chúng, người nổi tiếng hoặc các nhãn hiệu toàn cầu mà tài khoản đại diện. Để có được tick xanh, chủ tài khoản phải điền vào một bản yêu cầu xác nhận. Ngoài ra, mạng xã hội này cũng có cơ chế tự động lên tick cho những người thật sự nổi tiếng.
Nhiều tài khoản bán lan dù không phải người nổi tiếng vẫn có dấu xác nhận màu xanh từ Facebook. |
“Tuy vậy, trường hợp chủ động cấp tick xanh này rất ít tại Việt Nam. Và với các chủ trại lan thì việc được Facebook lên tick chủ động là rất hiếm. Nhiều nghệ sĩ, diễn viên và thậm chí Apple cũng chưa có tick xanh. Những tài khoản của chủ trại lan có tick xanh khẳng định đều dùng dịch vụ ”, ông Huy cho biết.
Trong khi đó, với cách tự điền bản yêu cầu lên tick, tỷ lệ thất bại rất cao. “Người dùng phải đoán được Facebook cần gì để cấp tick xanh, điều này khá phức tạp và cần nhiều thủ thuật. Từ đó, chủ tài khoản cần đến các dịch vụ gửi yêu cầu hộ”, ông Huy nói thêm.
Theo ông Huy, để tăng tỷ lệ được cấp tick, chủ tài khoản phải thể hiện được việc họ là người nổi tiếng và chính danh. Theo đó, các giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, căn cước công dân, ảnh chụp cùng giấy tờ tùy thân là bắt buộc.
Để chứng minh mình là người nổi tiếng, chủ tài khoản phải có lượng tương tác nhất định trên Facebook cá nhân. “Trước khi gửi yêu cầu cấp tick, chủ tài khoản phải có lượng người theo dõi cao (trên 10.000 người theo dõi) và tương tác Facebook cao (mỗi bài đăng vài trăm like)”, ông Huy cho biết.
Những chỉ số này sẽ được tăng bằng các tài khoản ảo với giá vài trăm đồng một lượt theo dõi.
“Sau khi đảm bảo đủ tương tác, chủ tài khoản phải có bằng chứng mình là người nổi tiếng. Thông thường, những bài viết về cá nhân trên các trang tin điện tử sẽ có tỉ lệ được Facebook xét duyệt khác cao. Những bài viết này được mua với giá vài triệu đồng/bài. Trang tin càng uy tín thì tỷ lệ cấp tick càng cao”, ông Huy phân tích.
Trong giới chơi lan, tài khoản có tick xanh được đánh giá có độ uy tín cao hơn. “Nhiều người vẫn cho rằng tài khoản có tick xanh đều do chính Facebook cấp sẽ uy tín hơn mà không biết dấu chỉ này có thể mua được qua các dịch vụ ảo”, T. Lâm, chủ một vườn lan đột biến tại Đồng Nai cho biết.
Theo ông Lâm, kể cả biết dấu xác nhận của Facebook có thể mua được, người tiêu dùng vẫn thích giao dịch với các tài khoản có tick xanh hơn. “Nhiều người vẫn nghĩ chủ tài khoản có 200 triệu đồng để mua tick thì họ là vườn lan lớn. Tuy vậy, nếu đã bị lừa thì người bán có tick hay không có thì kết quả cũng là tiền mất tật mang”, ông Lâm cho biết.
Mua bán trang Facebook tick xanh để livestream
Theo ông Võ Bảo, chủ một vườn lan 1.000 mét vuông tại Biên Hòa, Đồng Nai cho biết bán cây qua hình thức livestream rất thông dụng trong giới chơi hoa.
“Livestream giúp người bán tương tác tốt hơn với người xem, tiện trả lời các câu hỏi và giới thiệu được nhiều sản phẩm hơn so với hình thức đăng bài”, ông Bảo chia sẻ.
Lan giả đột biến với tên gọi mỹ miều được trả tiền để quảng cáo trên Facebook. Tuy vậy, đây là những cây lan bình thường với giá vài chục nghìn đồng trên thị trường. |
Có hai cách được dân bán lan áp dụng để phân phối các video livestream. “Cách đầu tiên là tạo các hội nhóm, nơi quy tụ những người có quan tâm về lan. Khi các group này có lượng thành viên nhất định sẽ thành nơi chia sẻ livestream của người bán lan”, ông Bảo nói.
Tuy vậy, theo ông Bảo, cách này thường không hiệu quả và khó thực hiện bởi chủ các group cộng đồng trên Facebook cũng là người bán lan. “Chẳng ai tạo nhóm rồi để người khác vào bán cả. Nên tỉ lệ các video livestream được duyệt khá thấp”, ông Bảo phân tích.
Từ đó, thị trường mua bán, cho thuê các trang Facebook có tick xanh trở nên sôi động hơn. "Đặc quyền của fanpage tick xanh là có thể mua quảng cáo cho video phát trực tiếp. Những fanpage này được hacker chiếm và rao bán hoặc cho thuê", Minh Phương, chuyên gia Digital Marketing từ SeaEvent cho biết.
Trang tick xanh vẫn bán lan lừa đảo
Với hình thức này, Facebook sẽ nhận tiền để phân phối livestream tới nhiều người hơn. Điển hình là trang Cloud **** thường xuyên livestream rao bán các loại lan. Theo phần minh bạch trang, Cloud**** là tài khoản của một nhóm nhạc của Mỹ. Sau đó tài khoản này bị chiếm quyền, biến thành nơi buôn bán các loại lan. Trong một video livestream, chủ vườn lan rao bán các loại cây đột biến với giá 100.000-300.000 đồng.
Fanpage của một ban nhạc nước ngoài trở thành kênh livestream bán lan "quý" với giá vài trăm nghìn đồng. |
“Họ giới thiệu đây là cây 5 cánh trắng Phú Thọ gieo hạt. Sau đó, họ cho người xem thấy ảnh của hoa bố mẹ. Trên thực tế, lan đột biến không thể gieo hạt. Cây con ươm từ hạt cây đột biến không thừa kế đặc tính nào của cây bố mẹ cả. Vì vậy, việc giới thiệu với các tên gọi như, Bảo Duy, Ngọc Sơn Cước, 5 cánh trắng Phú Thọ đều là lừa đảo. Giá thị trường của cây lan mang những tên gọi trên đều không dưới tiền trăm triệu”, ông Lâm cho biết.
Theo ông Lâm, không phải ai cũng đủ kiến thức về lan để phân biệt đâu là cây thật, cây giả. Một số người mua lại mang tâm lý mua cây 200.000 đồng thì không đột biến cũng là cây lan thường, vẫn ra hoa. “Trên thực tế, những cây này chỉ có giá 50.000-70.000/cây ngoài thị trường”, ông Lâm nói thêm.
Trong khi đó, lan được đánh giá là loại cây trồng lâu năm mới biết kết quả. "Mỗi cây lan con như vậy mất vài năm mới có thể ra hoa. Có nghĩa sau khi mua lan từ các livestream, người chơi phải đợi vài năm mới có thể thấy được mặt hoa. Đến lúc đó, các trang lừa đảo cũng đã đóng từ lâu rồi. Đó là chưa kể livestream cây thật nhưng vận chuyển cây giả", Thanh Sang, chuyên gia cây kiểng tại TP.HCM cho biết.