Dù Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một thỏa thuận ưu đãi cho 12 nước thành viên chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu - có được Quốc hội Mỹ phê chuẩn hay không, chính phủ Việt Nam đang lên kế hoạch giảm thuế và rào cản cho các doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh toàn cầu.
“Dù TPP có hay không, mục tiêu của chúng tôi là cải thiện môi trường đầu tư”, ông Trần Xuân Hà, thứ trưởng Bộ Tài chính, trả lời trong một cuộc phỏng vấn tại Hà Nội ngày 22/07.
Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới cho biết, dù mức tăng trưởng GDP trong năm nay của Việt Nam giảm 0,2% so với mức dự đoán trước đó, 6% vẫn là một con số đáng nể trong sự phát triển kinh tế toàn cầu. Ảnh: Reuters |
“Với TPP, khu vực doanh nghiệp của chúng tôi sẽ cần nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể giữ vững thị phần”, ông Hà cho biết.
Làn sóng đầu tư nước ngoài, một trong những yếu tố phát triển nền kinh tế, đang bùng nổ tại Việt Nam, tác động tới sự chuyển biến tỷ trọng nông nghiệp và công nghiệp trong nền kinh tế - từ chỗ xuất khẩu nông sản như gạo và cà phê sang trung tâm sản xuất. Xu hướng phát triển đó dường như không thể đảo ngược ngay cả khi hiệp định TPP không được thực hiện do sự phản đối của cả 2 ứng cử viên tổng thống Mỹ, Donald Trump và Hillary Clinton.
“Việt Nam hưởng nhiều lợi ích từ TPP, nhưng điều này còn phụ thuộc vào nhiều quốc gia khác, bao gồm Mỹ”, Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nói trong cuộc phỏng vấn tại Hà Nội.
Người đàn ông này cho biết: Đối với Việt Nam, “đó là một tiềm năng phát triển chứ không phải là rủi ro”.
Ngân hàng thế giới dự đoán nền kinh tế của đất nước hình chữ S sẽ tăng trưởng 6% vào năm nay, giảm 0,2% so với kế hoạch đặt ra trước đó sau đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 3 thập kỷ qua. Theo cơ quan thống kê, cam kết đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Ngân hàng Thế giới, TPP dự kiến nâng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam lên 8% vào năm 2030, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia gặt hái nhiều nhất trong hiệp định thương mại. Hiệp định này là một mục tiêu trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Châu Á. Nó tham vọng hơn các thỏa thuận khác ở chỗ không chỉ giảm thuế trên một loạt hàng hóa mà còn đưa ra sự bảo vệ về quyền sở hữu trí tuệ.
TPP được ký kết vào tháng 2 và vẫn chưa được hợp thức hóa bởi các nước thành viên bao gồm Australia, Nhật và Singapore. Nó sẽ được đệ trình lên Quốc hội Việt Nam vào nửa cuối năm nay.
Nguy cơ Mỹ
Ông Hà cho biết, Bộ Tài chính sẽ trình dự thảo các quy định lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về giảm thuế doanh nghiệp và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp vào tháng tới. Cơ quan này đang đề xuất giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ 20% xuống mức 15% hoặc 17%.
“Chúng tôi rất sẵn sàng để thông qua tất cả các thủ tục nội bộ. TPP sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh thế Việt Nam cũng như nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ của chúng ta”, người đàn ông này chia sẻ.
Việc đạt được sự chấp thuận sẽ gặp khó khăn tại Mỹ, nơi mà các chiến dịch tranh cử bị chi phối bởi tâm lý chống toàn cầu hóa. Nếu Quốc hội Mỹ không thông qua hiệp định trong một phiên họp gọi là “vịt què” sau khi bỏ phiếu vào tháng 11, TPP sẽ phải đối mặt với những khó khăn trước những nhà lập pháp mới.
Ông Hà từ chối bình luận về việc liệu Mỹ có thông qua thỏa thuận này hay không.