Trong lá thư gửi tới các cơ quan báo chí hôm 1/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết rất nhiều quốc gia và tổ chức đã thể hiện lập trường của họ, trong đó bày tỏ sự quan ngại về những mối đe dọa với hòa bình.
Tuyên bố của bà Lê Thị Thu Hằng là lời đáp lại thông cáo chung của Anh, Pháp và Đức được đưa ra hôm 29/8, kêu gọi kiềm chế ở Biển Đông.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia có đường bờ biển ở Biển Đông thực hiện các bước đi và biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng và góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực, bao gồm cả quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển của họ", thông cáo chung cho biết.
Nhà giàn DK1 nằm trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam. Ảnh: Thành Chung/TTXVN. |
Các tàu bảo vệ bờ biển của Việt Nam và Trung Quốc đang căng thẳng quanh lô khai thác dầu khí trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam.
Ba quốc gia châu Âu cho rằng căng thẳng có thể dẫn tới bất an và bất ổn ở khu vực, họ cũng nói thêm rằng khuôn khổ pháp lý được quy định bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển "cần phải được thực hiện" để ban hành chủ quyền vùng biển cho một số quốc gia có tuyên bố.
Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực để theo đuổi sự kiểm soát hành chính trong phạm vi được gọi là "đường chín đoạn" của họ, chiếm tới 80% Biển Đông. Những hành động gần đây của Bắc Kinh công khai thách thức một phán quyết của Tòa án Hague, kết luận tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc là bất hợp pháp vào 3 năm trước.
Ba nước châu Âu kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết này, và kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN đi đến thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Trong khi đó, Mỹ cho rằng Trung Quốc đang có hành vi đe dọa với các nước có tuyên bố chủ quyền khác, gạt họ ra khỏi hoạt động phát triển tài nguyên ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Trung Quốc ngăn chặn các quốc gia Đông Nam Á tiếp cận với nguồn dự trữ dầu thô và khí đốt trị giá 2,5 nghìn tỷ USD. Thủ tướng Australia Scott Morrison trong chuyến đi tới Hà Nội đã thúc giục các quốc gia châu Á đứng lên bảo vệ chủ quyền của họ.
Việt Nam cho biết họ hoan nghênh sự tham gia của các quốc gia khác.
"Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với các nước trong và ngoài khu vực về mặt kinh tế, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tham gia cùng các quốc gia khác và cộng đồng quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực", bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.