Kho ứng dụng là di sản cuối cùng của BlackBerry trong lộ trình chuyển đổi sang Android. Quá trình này bắt đầu năm 2015 khi BlackBerry ra mắt mẫu smartphone Priv.
Kể từ đó, BlackBerry đã từ bỏ mảng sản xuất điện thoại khiến nền tảng hệ điều hành BlackBerry 10 (BB10) không còn động lực phát triển. BB10 ra mắt cùng mẫu điện thoại Z10, từng được kỳ vọng sẽ lấy lại danh tiếng cho hãng này.
BlackBerry còn hệ điều hành khác là BBOS chạy trên các thiết bị cũ hơn và hiện cũng không nhận được bất kỳ bản cập nhật mới nào.
Hãng công nghệ Canada hiện chỉ tập trung cho phần mềm doanh nghiệp, đặc biệt là mảng bảo mật. Thỉnh thoảng, các mẫu điện thoại Android của BlackBerry vẫn được tung ra thị trường nhưng lại do hãng TCL (Trung Quốc) sản xuất.
BlackBerry hiện không còn tự tay sản xuất điện thoại, đồng thời các mẫu smartphone mới mang thương hiệu BlackBerry phải vay mượn hệ điều hành Android. |
BlackBerry đã bán bản quyền sản xuất điện thoại cho TLC và thu được khoản tiền kha khá. Tiền bản quyền này được trả hàng năm.
Năm ngoái, BlackBerry chỉ bán được 200.000 smartphone, con số quá nhỏ so với thị trường toàn cầu. Con số này chưa đủ để hãng có 0,1% thị phần di động.
Cùng kho ứng dụng chính thức, BlackBerry cũng đóng cửa các công nghệ kế thừa như BlackBerry Travel và ứng dụng gọi video PlayBook, lần lượt vào tháng hai và tháng ba năm tới.
BlackBerry cho biết quyết định xóa bỏ kho ứng dụng là hướng đi tự nhiên trong lộ trình chuyển đổi hoàn toàn sang phần mềm của hãng. Công ty này không công bố số người đang sử dụng ứng dụng của hãng.
Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp smartphone, BlackBerry dần trở nên lạc hậu do chậm chuyển đổi và đổi mới theo thời cuộc.
Cùng kế hoạch xóa sổ kho ứng dụng, BlackBerry đã công bố chương trình đổi máy có ưu đãi cho phép người dùng nâng cấp từ thiết bị BBOS hoặc BB10 lên BlackBerry KeyOne hoặc BlackBerry Motion (cả hai đều chạy Android) với giá ưu đãi.